Đau đầu hồ sơ thủ tục và quỹ đất
Buổi đối thoại có sự tham dự của Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, lãnh đạo UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cùng đại diện các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố.
Mở đầu buổi đối thoại, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, buổi đối thoại có sự tham dự của 108 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đây là các doanh nghiệp đại diện cho hơn 1.000 đơn vị ngoài công lập đang hoạt động gồm trường tư thục, trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học và tổ chức dịch vụ khác trên địa bàn TPHCM.
“Các trường ngoài công lập góp phần chia sẻ áp lực về chỗ học cho người dân trong bối cảnh dân số không ngừng tăng cao. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là bậc mầm non với hơn 50%, kế đến là cấp THPT với hơn 20% học sinh đang theo học ở các cơ sở ngoài công lập. Bên cạnh đó, các cơ sở cũng đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân thành phố với nhiều phân khúc khác nhau như trường triển khai chương trình Việt Nam, chương trình Việt Nam tích hợp chương trình nước ngoài và trường có yếu tố nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài…”, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Tuy nhiên, theo bà Tạ Thị Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập (Sở GD-ĐT TPHCM), các doanh nghiệp hiện nay còn nhiều băn khoăn trong các vấn đề liên quan hồ sơ pháp lý thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, chuyển đổi địa điểm hoạt động; nguồn vốn vay, chính sách thuế, quỹ đất đầu tư giáo dục.
Bà Tạ Thị Minh Thư tổng hợp một số kiến nghị của các cơ sở ngoài công lập |
Ông Nguyễn Bá Linh, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn giáo dục Việt Mỹ (huyện Bình Chánh) – đơn vị có gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với quy mô hiện tại hơn 3.000 học sinh, cho biết: “Một trong những khó khăn chúng tôi đang gặp phải là vấn đề quỹ đất. Khi có nhu cầu mở rộng cơ sở, chi phí đầu tư cho giải phóng mặt bằng khá cao. Vì vậy, cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng và vay vốn”.
Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Việt Mỹ đề xuất ý kiến tại buổi đối thoại |
Ở góc độ khác, theo ông Ngô Ngọc Luyến, Chủ đầu tư và là người trực tiếp điều hành Trường Mầm non Nam Mỹ (huyện Bình Chánh), sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cán bộ, giáo viên không trụ nổi nên đã nghỉ việc.
Riêng các cơ sở mầm non tư thục phải linh hoạt nhiều biện pháp để duy trì hoạt động. Trong đó, khó khăn đối với các chủ trường là chính sách đóng bảo hiểm xã hội và hoàn thành nghĩa vụ thuế. Đại diện đơn vị mong mỏi thành phố có thêm chính sách ưu đãi về thuế để chia sẻ khó khăn với các trường.
Cùng quan điểm, bà Đào Thị Tin, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Ân Phúc – đơn vị đầu tư 4 trường tư thục ở quận Gò Vấp và TP Thủ Đức nêu thực tế, sau dịch Covid-19, nhiều thời điểm số lượng giáo viên trong trường còn đông hơn số trẻ đi học.
“Chúng tôi phải cầm cự hoạt động, cố gắng đảm bảo thu nhập, chi trả tiền bảo hiểm xã hội cho giáo viên. Tuy nhiên, việc co kéo hết sức khó khăn, hiện nay đơn vị phải nhận quyết định xử phạt do nợ tiền bảo hiểm xã hội”, bà Đào Thị Tin cho biết.
Đáp lại các băn khoăn nói trên, ông Mai Phương Liên, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM) thông tin, hiện nay TPHCM triển khai chương trình kích cầu đầu tư, trong đó thời gian hỗ trợ lãi suất vay tối đa 7 năm.
Trong đó, điều kiện để đơn vị nhận chính sách hỗ trợ là tỷ lệ vốn vay không quá 70% vốn đầu tư cơ bản, đồng nghĩa nhà đầu tư có 30% vốn đối ứng. Ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay, tuy nhiên chính sách hỗ trợ không áp dụng đối với chi phí giải phóng mặt bằng.
Riêng đối với chính sách bảo hiểm xã hội cho đối tượng chủ trường, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, thời điểm hiện tại, chủ cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hiện nay, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, đối tượng này đã được bổ sung vào các đối tượng được áp dụng chính sách về bảo hiểm xã hội. Tới đây, khi Luật Bảo hiểm xã hội được thông qua, chủ hộ kinh doanh – trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là chủ trường, sẽ được áp dụng các chế độ đóng bảo hiểm xã hội.
“Trong thời gian chờ luật mới được thông qua, các chủ cơ sở có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc bảo hiểm y tế theo hộ gia đình”, đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM nêu ý kiến.
Thường xuyên cập nhập quy định pháp luật
Cũng tại hội nghị, các doanh nghiệp chia sẻ nhiều khó khăn liên quan đến hồ sơ đăng ký biến động sử dụng đất; cấp phép lao động đối với giáo viên người nước ngoài; kinh doanh trong lĩnh vực dạy thêm, học thêm; hỗ trợ nâng chuẩn trình độ giáo viên tại các cơ sở ngoài công lập…
Trước những phản ảnh này, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các chủ đầu tư thường xuyên cập nhật văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đang hoạt động.
“Tới đây, Phòng quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ định kỳ tổ chức họp giao ban với các đơn vị, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương mới của bộ, ngành để hỗ trợ các đơn vị trong công tác quản lý và vận hành cơ sở giáo dục”, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Về phía UBND TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu Sở GD-ĐT TPHCM mở thêm các kênh tiếp nhận thông tin và có phản hồi thường xuyên cho các doanh nghiệp, công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Sở GD-ĐT TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu chỉ đạo tại hội nghị đối thoại |
“Tôi đề nghị các sở, ngành lắng nghe các ý kiến đóng góp trên tinh thần cầu thị, có sự chia sẻ và hướng dẫn giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nêu ý kiến.
Song song đó, đồng chí Dương Anh Đức cho biết, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan cấp trên bổ sung, sửa đổi một số quy định còn bất cập; đồng thời quán triệt tinh thần làm việc đối với các sở, ngành trên địa bàn thành phố là hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp, không được cứng nhắc trong việc xử lý các hồ sơ thủ tục.