Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện khả năng cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Đồng thời, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện.
Ngành công nghiệp hỗ trợ chuyển biến tích cực
Tại Tọa đàm với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ” được Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/9/2023, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Phạm Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, những chính sách khuyến khích của Nhà nước cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển CNHT.
Chính sách khuyến khích của Nhà nước cùng sự nỗ lực của DN đã mang lại kết quả tích cực trong phát triển CNHT
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện khả năng cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Đồng thời, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện.
Đến nay, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp CNHT; sản phẩm được cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ…
Đặc biệt, số lượng DN là nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia đạt khoảng 100 DN; cung ứng cấp 2, cấp 3 là khoảng 700 DN. Tiêu biểu có khoảng 50 DN là nhà cung ứng cấp 1 và 170 DN là nhà cung ứng cấp 2 cho Tập đoàn Samsung. Ở lĩnh vực cơ khí – ô tô, có khoảng 12 DN tham gia cung ứng cấp 1 cho Toyota.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của chúng ta cũng được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể như trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45 – 50 %; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 – 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5 – 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này nội địa hóa này cao hơn.
Hiện nay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tự ý thức được việc cải tiến, nâng cao năng lực của của mình thông qua đào tạo cho đội ngũ quản lý cũng như đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quy trình sản xuất để cải tiến quá trình sản xuất- ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Tăng trợ lực để doanh nghiệp CNHT tận dụng cơ hội
Mặc dù vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta nhìn chung còn khá non trẻ, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, sản phẩm vẫn ở phân khúc giá trị gia tăng thấp trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, các nước có nhiều thay đổi trong chính sách xây dựng chuỗi cung ứng, nhiều cơ hội và thách thức đang đặt ra cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, biến động kinh tế thế giới khiến một số quốc gia đẩy mạnh thu hút các tập đoàn của họ quay về nước đầu tư, song cũng có tập đoàn tìm đến các quốc gia có tình hình chính trị ổn định, chính sách thuận lợi như Việt Nam để sản xuất lâu dài. Gần đây nhất, trong các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, đã có những gợi mở về việc các nhà đầu tư của Hoa Kỳ sẽ đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển về cả số lượng và chất lượng
TP Hà Nội đang hướng tới mục tiêu năm 2025 sẽ hình thành 1.000 DN trong lĩnh vực sản xuất CNHT, đồng thời phát triển theo chiều sâu. Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Nguyễn Vân, những giải pháp đang được Hà Nội tập trung triển khai gồm tăng cường hỗ trợ DN vay vốn; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng lợi thế từ các FTA; tăng cường đào tạo nhân lực, kết nối với các DN lớn để nâng cao trình độ công nghệ…
Về phía Bộ Công Thương sẽ sửa đổi, hoàn thiện các chính sách pháp luật, nhất là xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm hỗ trợ tốt nhất cho DN CNHT. Đồng thời, Bộ phối hợp với các tập đoàn lớn như Samsung, Toyota hỗ trợ các DN CNHT của Việt Nam nâng cao năng lực thông qua đào tạo và mở rộng thị trường.
“Trong chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2024, Bộ Công Thương được giao nguồn vốn để xây dựng hai trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi kỳ vọng khi hoàn thiện cơ sở vật chất và bộ máy chức năng, hai trung tâm sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới”- ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
PV