Uống trà để tỉnh. Vì trong trà có caffeine. Nhưng ở góc tinh thần, uống trà là cái cớ để mình thực tập tỉnh thức. Cuộc sống ngoài kia, đâu đó vẫn đầy phiền não, do con người chất chứa, nuôi dưỡng tham – sân – si, ứng xử với nhau bằng sự hơn thua, đố kỵ, thị phi các kiểu.
Trở về với trà và hơi thở, tôi thấy mình có thể gột rửa bớt những phiền não nơi tâm mình. Thở và cười bên tách trà sáng là cách để cho cả thân và tâm mình được dừng lại, lắng dịu, cho mình cơ hội để quan sát dòng suy nghĩ. Đặt xuống những lao xao, nhìn sâu, biết ơn và buông bỏ được cái khổ nào thì tốt cho mình chừng ấy.
Cuộc sống bon chen, có những thị phi, tranh giành, nhưng khi đã đủ lắng, thảnh thơi được cùng trà, dường như con người biết đủ để an lành, hạnh phúc với những gì đang có. Trà nhắc mình thảnh thơi, cuộc đời ngắn quá, tranh giành để đạt được nhiều thứ rồi khi nhắm mắt xuôi tay cũng không mang theo được gì. Đạo lý đó, trà đã “thuyết” như một vị thiền sư, gõ vào lòng mình một tiếng chuông và bảo “uống trà đi”.
Uống trà đi, đừng để tâm rong ruổi tìm cầu. Đừng để mình nô lệ những thứ ngoài thân như danh, sắc, tài – vốn làm khổ và trói buộc bao người từ cổ kim, trói buộc cả mình trong những lúc si mê.
Trà, vị đắng nhưng hậu ngọt, cũng như lúc ta tập buông bỏ những thói quen (không tốt) cũ cùng những đam mê thế tục (thường cuốn hút) thì hơi khó, nhưng làm được sẽ an yên.
(Bài dự thi cuộc thi “Cảm tưởng về cà phê – trà Việt” thuộc chương trình “Tôn vinh cà phê – trà Việt” lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).