Thông tin đạo diễn Long Vân qua đời ngày 24/12 sau thời gian điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô khiến gia đình, đồng nghiệp tiếc thương.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nghệ sĩ Hà Xuyên – người vào vai nữ tình báo Ngọc Mai phim Biệt động Sài Gòn chia sẻ rằng, bà đang bay từ TPHCM ra Phú Quốc nghỉ dưỡng cùng gia đình thì nghe tin đạo diễn Long Vân qua đời. Bà rất buồn và đau xót.
Bà biết, những năm cuối đời, nam đạo diễn có sức khỏe không tốt nhưng bà vẫn sốc khi nghe tin dữ.
Nghệ sĩ Hà Xuyên kể, khi được đạo diễn Long Vân mời vào vai Ngọc Mai, bà rất lo lắng, nghĩ không biết mình có làm tốt vai diễn mà đạo diễn gửi gắm không. Khi đó, đạo diễn Long Vân chú ý đến từng cảnh quay, ông cho diễn viên tập thoại, diễn thử trước khi ghi hình, khi nào đạo diễn hài lòng mới bấm máy.
“Để làm được 4 tập Biệt động Sài Gòn có tên là: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em, đạo diễn Long Vân phải xa gia đình ở Hà Nội, vào TPHCM 3 năm.
Ngày xưa chúng tôi làm phim không bị áp lực về thời gian, làm xong phải in tráng ra mới biết phim có đạt hay không, phim thường để ngoài cảng nên bị mốc và chúng tôi phải quay đi quay lại nhiều đoạn phim bị hỏng”, bà Hà Xuyên kể lại.
“Nữ tình báo Ngọc Mai” Hà Xuyên cho biết, thời gian quay phim Biệt động Sài Gòn, ê-kíp của phim chỉ có bà và nghệ sĩ Thương Tín và một số nhân vật phụ sinh sống ở TPHCM, còn toàn bộ thành phần của đoàn từ Hà Nội vào.
Lúc đó, nhiều diễn viên phải mang cả con vào cùng vì thời gian làm phim rất lâu. NSƯT Thanh Loan cũng phải mang 2 con nhỏ vào. Đạo diễn Long Vân cũng đưa con gái là Vân Dung tham gia vào em bé bán báo trong phim mình đạo diễn.
“Đoàn phim rất đoàn kết, chăm chỉ với mong muốn phim hoàn thành sớm. Cho đến bây giờ, nhiều khán giả vẫn nhớ và yêu mến phim Biệt động Sài Gòn. Vui nhất là phim được chọn là một trong những phim về chiến tranh hay nhất Việt Nam. Đó là phần thưởng xứng đáng với đạo diễn Long Vân và nhà biên kịch Lê Phương”, bà Hà Xuyên cho hay.
Nghệ sĩ Hà Xuyên tâm sự, đạo diễn Long Vân là người quyết làm gì, phải làm bằng được. Ngay khâu chọn diễn viên, vẫn có ý kiến này kia nhưng ông luôn tin tưởng lựa chọn của mình mà không bị tác động bởi bên ngoài.
Nữ nghệ sĩ cho biết: “Sau phim Biệt động Sài Gòn, đạo diễn Long Vân có mời tôi vào vai trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn nhưng tôi sợ làm không tốt lại phụ lòng đạo diễn nên không nhận lời. Sau này, khi làm phim Giải phóng Sài Gòn, Những đứa con của Biệt động Sài Gòn, anh Long Vân cũng mời nhưng vì các lý do khách quan, tôi không tham gia được”.
Theo bà Hà Xuyên, ngoài đời đạo diễn Long Vân là một người tình cảm, hiền lành, chân tình với bạn bè, đồng nghiệp.
Nghệ sĩ Hà Xuyên kể rằng, lần gần nhất mà bà gặp đạo diễn Long Vân là khi ông vào TPHCM làm phim Những đứa con biệt động Sài Gòn (năm 2011), bà có đến nơi đạo diễn Long Vân ở để thăm hỏi. Khi đó, chân của nam đạo diễn đã yếu nhưng ông vẫn say nghề, ông vẫn ngẫm nghĩ về kịch bản, cách diễn cho từng diễn viên.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSƯT Thanh Loan cho biết, bà đang ở Úc, chiều 24/12 nghe tin đạo diễn Long Vân qua đời, bà vô cùng buồn và tiếc thương.
“Sự ra đi của đạo diễn Long Vân là nỗi đau buồn không chỉ đối với gia đình, bạn bè và anh chị em nghệ sĩ mà đó còn là tổn thất lớn đối với nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Tôi còn cảm thấy hụt hẫng vì khi những người đồng nghiệp thân thiết ra đi, tôi đều không có mặt, không ở Hà Nội. Trước đây, NSƯT Quang Thái đóng vai Tư Chung qua đời, tôi đang nằm viện 354, còn lần này cũng thế. Đạo diễn Long Vân mất, tôi không thể có mặt ở Hà Nội để đưa tiễn ông…”, nữ nghệ sĩ ngậm ngùi nói.
Trong ấn tượng của bà, ông Long Vân là đạo diễn tài giỏi, hiền lành và đức độ, sống giản dị, chan hòa, tốt bụng với đồng nghiệp.
“Đạo diễn Long Vân là người đam mê làm phim đến từng hơi thở. Ông ấy không màng danh lợi gì. Nhiều người thấy tiếc khi ông ấy chưa từng có giải thưởng và danh hiệu nào cả.
Lúc sinh thời, cũng nhiều người nói, bảo ông làm hồ sơ. Nhưng ông thường gạt đi, không muốn làm, chỉ muốn cống hiến và làm phim thôi. Ông ấy nói: “Chỉ nghĩ đến cái chưa làm được, cái gì làm xong rồi thì cho nó qua đi”, “ni cô Huyền Trang” chia sẻ.
Nữ nghệ sĩ cho hay, Biệt động Sài Gòn là bộ phim màu nhiều tập đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Với những người trong nghề như bà thì việc được tham gia bộ phim này là một vinh dự lớn lao của đời nghệ sĩ.
Bởi bộ phim đã thực sự sống mãi trong lòng khán giả và tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong dòng chảy lịch sử điện ảnh nước nhà. Mỗi lần xem lại bà cảm thấy rất xúc động, nhớ lại một thời kỳ làm phim gian khổ.
Theo NSƯT Thanh Loan, để có một “ni cô Huyền Trang” sắc sảo và biến hóa khôn lường như thế bà đã phải nghiên cứu kịch bản kỹ lưỡng, bàn luận và làm việc với biên kịch cũng như đạo diễn Long Vân nhiều lần.
Thậm chí, bà phải cắt đi mái tóc dài vì ngày xưa không có mũ cao su để nịt đầu. Tiếp đó, nghệ sĩ xin vào chùa Dược Sư ở 1 tuần, ăn cơm chay và tập cách tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông, cách đi khất thực để giống như một người tu hành. Bà cũng tập chèo ghe, ngâm mình trong sông nước Nam Bộ.
Đối với NSƯT Thanh Loan, nhân vật “ni cô Huyền Trang” là vai diễn bà không thể quên, bà cảm thấy tự hào khi góp mặt vào một tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam lúc bấy giờ mà công lao quan trọng không thể không kể đến đạo diễn Long Vân.
NSƯT Thanh Loan cũng cho rằng, bà xem vai ni cô Huyền Trang như là vai diễn cuối cùng trong sự nghiệp diễn xuất của mình bởi có đóng thêm cũng không có vai nào có thể vượt qua được vai diễn kinh điển này.
Đạo diễn Long Vân sinh năm 1936 tại Hà Nội, sau đó ông cùng gia đình theo kháng chiến lên Thái Nguyên.
Năm 14 tuổi, đạo diễn Long Vân được gửi sang Nam Ninh, Trung Quốc học tập. Năm 1955, ông tốt nghiệp sư phạm và gắn bó với nghề dạy học cho đến sau này chuyển hướng sang điện ảnh.
Ông thuộc thế hệ đạo diễn trưởng thành trước năm 1975. Sau khi tốt nghiệp, ông mất 15 năm đi làm phó đạo diễn cho lớp đạo diễn đàn anh như Phạm Kỳ Nam, Huy Thành, Bạch Diệp, Nông Ích Đạt…
Bộ phim đầu tay do ông đạo diễn là Tiếng gọi phía trước năm 1979 do nhà văn Phù Thăng làm biên kịch, từng đoạt giải thưởng Liên hoan phim quốc tế tại Moskva, sau đó là các phim Nơi gặp gỡ của tình yêu và Cho cả ngày mai.
Tuy nhiên phải đến Biệt động Sài Gòn – bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam được công chiếu năm 1985 thì cái tên Long Vân mới được mọi người biết đến.
Phim đưa dàn diễn viên như: Thương Tín (vai Sáu Tâm), Thanh Loan (vai ni cô Huyền Trang), Bùi Quang Thái (Tư Chung), Hà Xuyên (Ngọc Mai), Hai Nhất (Ba Cẩn) lên đỉnh cao, trở thành gương mặt quen thuộc với khán giả.
Sau Biệt động Sài Gòn, đạo diễn Long Vân còn làm thêm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn…