Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, lượng mưa đo được tại các điểm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phổ biến ở mức 50-100mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn như: Bát Mọt (Thường Xuân) 150,8mm; Yên Phong (Yên Định) 140,4mm; Xuân Khánh (Thọ Xuân) 134,6mm; Yên Mỹ (Nông Cống) 128mm; thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân) 124,6mm; Yên Khương (Lang Chánh) 122,4mm; Nga Yên (Nga Sơn) 121,8mm.

Trong khi đó, lũ hạ lưu các sông còn tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh gồm sông Mã, sông Chu trên báo động 2 và tiếp tục còn dâng cao do lũ ở thượng nguồn đổ về.

Trước tình hình mưa lũ, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đến các cấp, các ngành và các địa phương để chỉ đạo ứng phó, với tinh thần sẵn sàng huy động tối đa lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”; tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân.

Thanh Hóa: Mưa lũ gây sạt lở, ngập lụt trên diện rộng
Hơn 11.700 người dân phải sơ tán, di dời do mưa lũ, sạt lở đất trên diện rộng.

Các địa phương chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở đất, đá và ngập lụt; đồng thời sơ tán 2.873 hộ dân, tương đương với 11.759 khẩu tại các huyện Quan Sơn, Thường Xuân, Quan Hóa, Mường Lát, Bá Thước, Thọ Xuân, thành phố Thanh Hóa.

Mưa lũ đã làm 168 nhà bị thiệt hại do sạt lở đất; 11 điểm trường bị ảnh hưởng do mưa lũ, sạt lở đất tập trung chủ yếu ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh và hàng loạt các đê điều, sông suối bị ảnh hưởng, rạn nứt. Sạt lở taluy dương, taluy âm tại 183 vị trí; trong đó có 7 vị trí gây tắc đường tại huyện biên giới Mường Lát.

Thanh Hóa: Mưa lũ gây sạt lở, ngập lụt trên diện rộng
 Các địa phương tại Thanh Hóa khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn. 
Đáng chú ý, tình trạng nước thấm qua chân đê tại xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc), ngay trong đêm 23-9, ông Lại Thế Nguyên, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố.

Ông Lại Thế Nguyên cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân tu sửa nhà cửa bị thiệt hại, chăm sóc diện tích cây trồng bị hư hại, sớm ổn định đời sống nhân dân; tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các hộ phải đi sơ tán, di dời; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở, không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở, bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân.

qdnd.vn

Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/thanh-hoa-mua-lu-gay-sat-lo-ngap-lut-tren-dien-rong-795820