Những con số biết “nói”
Sau hơn nửa chặng đường triển khai Chương trình, với sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh Thanh Hóa; sự nỗ lực của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay đã có 12/28 chỉ tiêu đề ra đạt và vượt mức (bằng 43%). Tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tiếp tục chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ổn định và từng bước được cải thiện; công tác giáo dục, y tế ở vùng DTTS có nhiều tiến bộ; giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy.
Về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đến nay, 100% đường ô tô từ thôn, bản đến trung tâm xã được cứng hóa; 68% đường giao thông thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa; đã đầu tư xây dựng 135 công trình hồ chứa, đập, kênh mương từ nguồn vốn các Chương trình MTQG, Chương trình an toàn hồ, đập và xử lý đê địa phương, vốn vay WB…
Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 93,6%, tăng 2,8% so với năm 2020 (trong đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 39,8%). Hoàn thành đầu tư hạ tầng cấp điện cho 23 thôn, bản của 06 huyện; năm 2023, tiếp tục đầu tư cấp điện cho 857 hộ dân thuộc 14 thôn, bản còn lại chưa có điện lưới quốc gia của 02 huyện (Thường Xuân, Mường Lát). Hạ tầng mạng lưới viễn thông, truyền hình được mở rộng; đến nay, có 2.904 trạm thu phát sóng thông tin di động và 363 trạm truy cập Internet, đảm bảo phủ sóng, cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, truyền hình đến 100% trung tâm các xã và 99,7% thôn, bản trên địa bàn.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi tại Thanh Hóa đạt 38,12 triệu đồng (năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% (giảm 4,81 %, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 21% xuống còn 17,07% (giảm 3,93%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 27,23% xuống còn 19,86% (giảm 7,37%); tỷ lệ trường lớp học được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 89,7%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 93,1%; tỷ lệ số trạm y tế có bác sĩ đạt 91,4%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 74%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,2%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,6%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 100%…
Đời sống bà con các dân tộc phát triển
Từ các chính sách trong Chương trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, nhiều hộ nghèo đã thay đổi tập quán, thói quen canh tác lạc hậu trước đây, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế và giá trị thu nhập cao hơn.
Ông Trần Văn Quyết, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Xuân Hợp, xã Xuân Bình, huyện Như Xuân cũng cho biết trước đây thâm canh làm lúa, ngô, nương rẫy, hiệu quả kinh tế kém, giờ chuyển sang cây công nghiệp từ đó giảm nghèo. Bà con thấy hiệu quả kinh tế cao nên đều theo học cách làm ăn, để giảm được nghèo.
Ông Lò Văn Thao, huyện Quan Hóa hồ hởi chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi được chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giống, vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế, được tập huấn kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, đạt hiểu quả kinh tế cao”.
Là một trong những gia đình dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ chính sách hỗ trợ trồng cây vầu của nhà nước, Anh Vi Văn Mừng, huyện Mường Lát cho biết: Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đến nay diện tích vầu của gia đình bắt đầu cho thu hoạch, ở vùng đất này, không có cây gì phù hợp hơn cây vầu. Sau 4 đến 5 năm, cây vầu bắt đầu cho thu hoạch, giá trị mang lại từ 60 đến 70 triệu đồng/năm, cây vầu có chu kỳ lưu gốc trên 60 năm. Bên cạnh trồng vầu, gia đình được chính quyền địa phương giao khoán bảo vệ, trồng rừng gần 3ha và được Nhà nước chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường. Số tiền này được chúng tôi sử dụng mua các vật tư để trồng, phát triển và bảo vệ rừng.
Nhìn cánh rừng vầu bạt ngàn xanh tốt, đem lại giá trị kinh tế cao, không quá khi gọi đây là những “thỏi vàng xanh khổng lồ” góp phần phát triển kinh tế đời sống bà con các dân tộc miền núi nói chung, xóa đói giảm nghèo đối với người dân huyện Mường Lát.
Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu: tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 1,5% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm 3% trở lên. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng so với mục tiêu đề ra, nhiệm vụ còn lại của chương trình là rất lớn.
Do vậy thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xác định giải pháp then chốt là phải tập trung nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chương trình. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ý lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung của dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững hàng năm.