Hà Nội là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi và những trang sử hào hùng của dân tộc. Trải qua nhiều thăng trầm, mảnh đất kinh kỳ “ngàn năm văn hiến” đã luôn giữ vững tinh thần kiên cường, bất khuất, xứng danh là “Thủ đô anh hùng.”
Ngày nay, không chỉ kế thừa những di sản quý báu, Hà Nội đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế quan trọng của đất nước, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của dân tộc.
Thủ đô – Ngày về chiến thắng
Với vị trí đặc biệt quan trọng, lịch sử của Thăng Long-Hà Nội luôn gắn liền với lịch sử dân tộc. Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long-Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao sự biến thiên của lịch sử. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, đã bền bỉ lao động, kiên cường đấu tranh, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ, lập nên nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời.
Trong gần một thế kỷ, dưới ách áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến, Hà Nội vừa là cái nôi, vừa là chứng nhân của biết bao phong trào yêu nước và cách mạng.
Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ quyết định rời đô về Thăng Long. Với khát vọng và khí phách “Rồng bay lên,” suốt tám thế kỷ sau đó (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX), Thăng Long là niềm kiêu hãnh của dân tộc, nơi sản sinh và hội tụ biết bao anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa; nơi minh chứng cho các cuộc chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm với những địa danh bất hủ: Cổ Loa, Hàm Tử, Chương Dương, Ngọc Hồi, Đống Đa… và những danh nhân bất tử: Lý Thường Kiệt, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…
Đến đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đóng đô ở Huế, đã đổi tên Thăng Long thành Hà Nội. Từ giữa thế kỷ XIX, Hà Nội đã cùng cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong gần một thế kỷ, dưới ách áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến, Hà Nội vừa là cái nôi, vừa là chứng nhân của biết bao phong trào yêu nước và cách mạng.
Tổ chức đầu tiên của Hội Thanh niên cách mạng, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập cũng là ở Hà Nội. Nhiều cao trào cách mạng và khởi nghĩa cũng đều bắt đầu từ Thủ đô.
Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi trọn vẹn ở Hà Nội và nhanh chóng lan tỏa đi khắp nơi, cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ Nhân dân cả nước nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.
Sáng 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.” (Ảnh: TTXVN)
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Thế nhưng chưa đầy một tháng sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, thực dân Pháp với dã tâm cướp nước ta một lần nữa đã gây hấn và phát động chiến tranh ra cả nước.
Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ,” Hà Nội đã nhất tề đứng lên chống giặc, giành thế chủ động cho cuộc kháng chiến. Phát súng đầu tiên từ pháo đài Láng bắn vào trại giặc (ngày 19/12/1946) đã trở thành hiệu lệnh mở đầu cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh,” quân và dân Hà Nội đã chiến đấu kiên cường và quả cảm, biến mỗi góc phố, mỗi căn nhà thành một pháo đài, mỗi người dân thành một chiến sỹ, bám trụ, quần nhau với giặc trong suốt 60 ngày đêm khói lửa. Nhiều đội cảm tử quân được thành lập, “Trung đoàn Thủ đô” ra đời. Hàng nghìn người con của Liên khu I đã anh dũng chiến đấu, nhiều người đã ngã xuống để bảo vệ Thủ đô, để kìm chân, tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện cho các lực lượng kháng chiến rút về căn cứ địa an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương giao.
Sau gần 9 năm, không chịu đựng được sức chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta, nhất là sau trận đòn quyết định của ta tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Lợi dụng thời gian này, quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt.
Trước tình hình mới, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã dựa vào dân, chủ trương lãnh đạo Nhân dân Thủ đô đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, bảo vệ thành phố, bảo vệ xí nghiệp, công sở, tính mạng, tài sản của Nhân dân, bảo vệ quyền lợi của công nhân, viên chức, chống địch phá hoại; đồng thời, đẩy mạnh phát triển lực lượng cách mạng trong thành phố, phối hợp với các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô.
Ðúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn làm chủ thành phố. Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ cùng với sự tham gia của các đơn vị quân đội.
Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Trong Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh.”
Xứng danh Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến
Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố.
Chỉ hơn một tháng sau giải phóng, thành phố đã thông qua kế hoạch phục hồi công thương nghiệp và một năm sau đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ…
Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện.
Đầu năm 1965, khi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đang được thực hiện những tháng cuối cùng thì đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Hà Nội nhanh chóng chuyển sang thời chiến và đã lập nên kỳ tích.
Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố đã tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không.”
Các lực lượng phòng không Hà Nội tạo thành lưới lửa trên bầu trời Thủ đô, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN)
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần quan trọng tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, Hà Nội như bước sang một trang mới. Thủ đô Hà Nội không chỉ thay đổi về diện mạo với hàng loạt các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại hiện đại, mà còn chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế-xã hội.
Trong bối cảnh cả nước gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương giảm, Hà Nội vẫn bền bỉ tăng trưởng, mức tăng GRDP 6,27% (năm 2023), cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước (5,05%). Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/người/năm.
Trong những năm qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo Thủ đô.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã đi vào hoạt động, cùng các tuyến vành đai kết nối các vùng ngoại thành; các khu đô thị mới cùng hàng loạt cây cầu bắc qua sông Hồng đã không chỉ cải thiện giao thông mà còn tạo nên những vùng kinh tế mới đầy tiềm năng.
Sự phát triển của các khu công nghiệp đã thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), góp phần thúc đẩy nền kinh tế Thủ đô phát triển nhanh chóng.
Năm 2023, Hà Nội thu hút được trên 2,94 tỷ USD vốn FDI, tăng 70,5% so với năm trước và là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Đi đôi với phát triển kinh tế, Hà Nội luôn chú trọng nâng cao chất lượng sống cho người dân. Hệ thống giáo dục được đầu tư mạnh mẽ.
Hà Nội hiện đã trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước, với trên 2.900 trường học các cấp và gần 100 trường đại học, học viện…
Hệ thống y tế cũng phát triển vượt bậc với 42 bệnh viện công, 5 trung tâm chuyên khoa, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và hàng nghìn cơ sở y tế tư nhân.
An sinh xã hội được đảm bảo, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc các đối tượng chính sách xã hội. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo 0,7%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,5%.
Dù phát triển hiện đại, Hà Nội vẫn luôn tự hào giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến.
Hà Nội là nơi hội tụ số lượng di sản lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc (5.922 di tích được kiểm kê; 1.350 làng nghề, gần 1.700 lễ hội dân gian, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể).
Những di sản văn hóa như Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, khu phố cổ Hà Nội… được bảo tồn và trùng tu, trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.
Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn cho ngân sách Thủ đô. Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 24 triệu lượt, tổng doanh thu từ ngành du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng (tăng 27% về lượng khách và tăng 45,5% về doanh thu so với năm 2022).
Công tác đối ngoại của Thủ đô cũng có những bước chuyển mình tích cực. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Hà Nội cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, như: Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (2018), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên (2019)…
Với những nỗ lực trong suốt 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng.”
Trong tương lai, Hà Nội đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trở thành thành phố thông minh.
Với những dự án về hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường, khu đô thị xanh và công nghệ thông tin tiên tiến, Hà Nội đang từng bước xây dựng một thành phố hiện đại nhưng cũng không làm mất đi những nét đẹp truyền thống./.