Trong tháng đầu tiên áp dụng cơ chế mới, các NĐTNN đăng ký giao dịch yêu cầu ký quỹ trước (NPF) đã được thực hiện tích cực, chiếm 11% tổng giá trị giao dịch mua chứng khoán tại các CTCK này.
Tháng đầu áp dụng Non-prefunding, hơn 300 tài khoản tổ chức nước ngoài đăng ký
Trong tháng đầu tiên áp dụng cơ chế mới, các NĐTNN đăng ký giao dịch yêu cầu ký quỹ trước (NPF) đã được thực hiện tích cực, chiếm 11% tổng giá trị giao dịch mua chứng khoán tại các CTCK này.
Bà Tạ Thanh Bình – Tổng giám đốc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam |
Gần 330 tổ chức nước ngoài đăng ký giao dịch NPF trong tháng đầu
Chia sẻ tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025” với chủ đề: “Phát triển bền vững thị trường vốn Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam phối hợp với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức sáng 6/12, bà Tạ Thanh Bình – Tổng giám đốc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cập nhật về tình hình giao dịch, thanh toán giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh (giao dịch NPF) tại các đơn vị này (nếu có) sau gần một tháng triển khai Thông tư 68, với một trong các nội dung quan trọng nhất là bỏ yêu cầu bắt buộc ký quỹ (non-prefunding) đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Cụ thể, theo thông tin VSDC nhận phản hồi từ 4 công ty chứng khoán và 5 ngân hàng lưu ký. Đến hết ngày 29/11/2024, tổng cộng có hơn 300 tài khoản nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (NĐTNN) đăng ký giao dịch NPF, chiếm tỷ trọng bình quân 11% tổng giá trị giao dịch mua chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, CW) tại các CTCK này. Cũng theo bà Bình, VSDC và các bên liên quan thực hiện khá tốt, không để xảy ra trường hợp tổ chức nước ngoài thiếu tiền dẫn đến phải chuyển nghĩa vụ thanh toán cũng như ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán của thị trường. Việc cung cấp dịch vụ, quản lý rủi ro giao dịch NPF của CTCK, NHLK cũng như việc sử dụng cơ chế giao dịch NPF của tổ chức nước ngoài về cơ bản được thực hiện theo hướng thận trọng, an toàn. “Các nhà đầu tư cũng rất thận trọng, hoàn tất chuyển tiền vào ngày T+1 thậm chí ngay vào chiều ngày giao dịch”, đại diện VSDC cũng cho hay.
FTSE Russell có thể có động thái rõ rệt tháng 9/2025
Cũng theo bà Bình, trong một buổi làm việc mới đây cùng đại diện FTSE Russell, đơn vị xếp hạng thị trường này đã khẳng định rằng Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí nâng hạng. Còn lại hai tiêu chí gồm việc gỡ bỏ yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ trước khi giao dịch (prefunding) và xử lý giao dịch không thành công (failed trade management).
Đối với giải pháp non-prefunding, đại diện FTSE nhìn thấy Việt Nam đã có bước đi thực tế trong thể chế chính sách và triển khai. Họ sẽ chờ thị trường vận hành thêm một thời gian nữa để đánh giá tại kỳ đánh giá tháng 3 và có thể có động thái rõ rệt tháng 9/2025. “Đây cũng là mong muốn và mục tiêu lớn của cơ quan quản lý và thành viên trên thị trường”, bà Bình cũng nhấn mạnh.
Với tiêu chí cuối cùng để nâng hạng là xử lý giao dịch không thành công (failed trade management), theo bà Tạ Thanh Bình, giải pháp áp dụng cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CPP). Liên quan đến vấn đề này, các quy định mới trong Luật Chứng khoán tại Luật sửa đổi 7 luật trong lĩnh vực tài chính – ngân sách đã đặt nền móng quan trọng triển khai CCP, trong đó cho phép VSDC thành lập công ty con để tách biệt rủi ro.
Bên cạnh FTSE, Việt Nam cũng theo đuổi mục tiêu nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn của MSCI. Đối với bộ tiêu chí của MSCI Global, tới tháng 6/2024 vừa qua, TTCK Việt Nam đã đáp ứng 10/18 tiêu chí nhưng vẫn còn một số tiêu chí còn cần cải thiện như mức giới hạn sở hữu nước ngoài, mức sở hữu nước ngoài còn lại và hay mức độ tự do hóa của thị trường hối đoái chưa đáp ứng…
Cũng theo Tổng giám đốc VSDC, trong quý III & IV/2024, cơ quan này đã tích cực tham gia góp ý, đề xuất bổ sung, chỉnh sửa Luật Chứng khoán và Nghị định 155 để chuẩn bị hướng tới thành lập công ty con thực hiện chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở. Đây là một bước đi cần thiết cho việc quản lý rủi ro thanh toán tổng thể thị trường và tiếp tục hướng tới các tiêu chí nâng hạng cho TTCK Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, quy định công bố thông tin tiếng Anh và việc áp dụng đồng bộ theo lộ trình sẽ từng bước cải thiện tiêu chí minh bạch. VSDC và các sở giao dịch chứng khoán cũng sẽ áp dụng quy định này từ 2025. Khối lượng công việc triển khai từ đầu năm tới để đáp ứng được các tiêu chí sẽ không phải đơn giản.
“Nhiều tổ chức đưa ra các con số kỳ vọng về dòng vốn ngoại huy động vào thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng tôi cho rằng cú hích nâng hạng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực. Cùng những cải cách về thể chế, thay đổi thủ tục hành chính,… cũng sẽ tạo ra động thái tích cực”. Bà Bình cho hay đồng thời cũng nhấn mạnh dòng vốn nước ngoài thông thường sẽ đổ vào trước khi công bố quyết định nâng hạng.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, điều này cũng đặt ra vấn đề về sức ép lên hệ thống với khối lượng, giá trị giao dịch lớn, tần suất giao dịch nhanh hơn. Trường hợp nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam dự kiến sẽ đón nhận một dòng vốn đầu tư lớn vào khối thị trường mới nổi. Dòng vốn này có thể mang tới khối lượng giao dịch có giá trị lớn, với tần suất giao dịch có thể thường xuyên và liên tục hơn, có thể gây ra áp lực không nhỏ đối với hệ thống giao dịch và hệ thống bù trừ, thanh toán. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến chuyển đổi ngoại tệ có đủ sức đáp ứng lượng giao dịch lớn như vậy hay không.
Áp lực duy trì nâng hạng khi đã đạt tiêu chí xếp hạng mới cũng sẽ là một thách thức đối với các bên liên quan. “Theo trao đổi từ phía FTSE Russel, các bộ điều kiện xếp hạng hoàn toàn có thể thay đổi khi cần thiết, khi có nhu cầu từ phía khách hàng lớn. Như vậy việc tiến tới xếp hạng, được xếp hạng và sau đó là duy trì xếp hạng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỳ đánh giá hàng năm của các tổ chức quốc tế. Trường hợp các điều kiện ngày một thay đổi nhanh và nhiều, chúng tôi cần sẵn sàng cho việc kiến nghị thay đổi các quy định pháp lý phù hợp hơn, đồng thời kịp chỉnh sửa, bổ sung về mặt hệ thống khi cần thiết”, Tổng giám đốc VSDC khẳng định.
“Đây chính là những thách thức thực tế mà chúng ta cần phải đối mặt và đưa ra kịch bản để giải quyết Từ góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ tạo bước đi nền tảng chắc chắn để mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán thuận lợi. Nâng hạng chỉ là vấn đề thời gian, chắc chắn sẽ đạt được”, bà Tạ Thị Thanh Bình nhấn mạnh.
Nguồn: https://baodautu.vn/thang-dau-ap-dung-non-prefunding-hon-300-tai-khoan-to-chuc-nuoc-ngoai-dang-ky-d231826.html