Hội thảo Tầm quan trọng, giá trị lịch sử khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản VN bị giam giữ và hy sinh do UBND TP.HCM, UBND Q.5, TP.HCM phối hợp cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bảo tàng HCM thực hiện.
Đến dự hội thảo có ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cùng nhiều lãnh đạo ban ngành, các nhà nghiên cứu…
Ngày 26.8.1931, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Phú sau khi bị bắt, tra tấn, lâm trọng bệnh được đưa về khu trại giam này. Đến ngày 6.9.1931, Trần Phú hy sinh ở tuổi 27 sau khi để lại lời nhắn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Chưa có tư liệu xác định ngày hình thành trại giam nhưng có thể khu trại giam được xây và hoạt động từ khoảng năm 1874-1875. Đây là nơi gắn với lịch sử Nhà thương Chợ Quán – bệnh viện Tây y sớm nhất Việt Nam.
Ngoài Trần Phú, khu trại giam còn là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng như Trần Não, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trỗi…
Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Bộ VH-TT công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia vào ngày 16.11.1988.
Khởi đầu từ ngày mở cửa nhận bệnh 13.2.1861 của Bệnh viện Chợ Quán, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã được xác lập kỷ lục Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS), đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia VN công nhận.
Do di tích ngày càng xuống cấp theo thời gian, ngày 18.4.2023, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã thông qua Nghị quyết “Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới”. Dự án sẽ hoàn thành vào ngày 1.5.2024, đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú.