Những người nhập cư xấu số
Sáu nạn nhân của vụ sập cầu Francis Scott Key đều là những người nhập cư từ Mexico và Trung Mỹ. Thời điểm tàu container đâm vào chân cầu lúc 1h30 sáng 26/3, họ đang ở trên cầu miệt mài làm công việc mà nhiều người nhập cư phải đảm nhận. Cuối cùng, công việc đó đã đẩy họ xuống dòng sông Patapsco lạnh giá.
Ngày hôm sau, thi thể của 2 nạn nhân tên Alejandro Hernandez Fuentes và Dorlian Castillo được phát hiện và kéo ra khỏi một chiếc xe bán tải màu đỏ ở độ sâu gần 8 mét dưới nước.
Bốn công nhân mất tích còn lại được cho là đã thiệt mạng bao gồm Maynor Suazo đến từ Honduras; Jose Lopez đến từ Guatemala; Miguel Luna đến từ El Salvador; và một người khác chưa được tiết lộ tên. Ngoài ra, có 2 công nhân khác đã được giải cứu.
Các nhà thờ tổ chức các buổi cầu nguyện cho những công nhân mất tích và các nhóm vận động đã nhanh chóng quyên góp được 98.000 USD cho gia đình các nạn nhân. Một số người không ngạc nhiên khi tất cả nạn nhân đều là người nhập cư, dù họ chỉ chiếm chưa đến 10% dân số ở thành phố lớn nhất bang Maryland.
Những nạn nhân làm công việc bảo trì được tuyển dụng bởi Brawner Builders, một công ty xây dựng địa phương đã bị phạt 7 lần kể từ năm 2018 vì vi phạm an toàn. Các lãnh đạo của công ty cho biết họ rất đau buồn trước sự mất mát này.
Làm những công việc không ai muốn làm
Theo bà Lucia Islas, Chủ tịch của nhóm phi lợi nhuận Comité Latino de Baltimore, một trong những lý do khiến người nhập cư trở thành nạn nhân của vụ tai nạn là bởi họ làm công việc mà không ai muốn làm. Họ là những công nhân bảo trì, một nghề nghiệp ít nổi bật nhưng lại làm những công việc khó khăn suốt đêm để duy trì hoạt động của đất nước.
Công việc dành cho người nhập cư thường có mức lương thấp nhất và điều kiện tồi tệ nhất. Song, một số người vẫn chấp nhận làm công việc đó để nuôi gia đình và đặt nền móng giúp con cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong khi đó, một số người khác cố gắng làm việc để gửi tiền về nhà cho người thân đang sinh sống ở những nền kinh tế kém giàu có hơn. Theo ngân hàng trung ương Mexico, những người lao động nhập cư Mexico đã chuyển hơn 60 tỷ USD về đất nước của họ vào năm 2023.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, những người lao động gốc Latinh có nhiều khả năng tử vong khi làm việc hơn các nhóm chủng tộc và sắc tộc khác. Theo đó, người gốc Latinh chiếm tỷ lệ cao trong các công việc có rủi ro cao: 51% công nhân xây dựng, 34% công nhân lò mổ và 61% công nhân cảnh quan.
Các nhà lãnh đạo cộng đồng cho biết nhiều người gốc Latinh trong thành phố nhận công việc lương thấp và có ít chế độ phúc lợi. Ông Carlos Crespo, 53 tuổi, một thợ cơ khí đến từ Mexico, cho biết: “Lựa chọn duy nhất là đi làm, kể cả khi không có mức lương như một công dân có thể kiếm được”.
Vấn đề nhập cư sẽ là tâm điểm của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024
Thảm họa cầu Baltimore xảy ra giữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong đó vấn đề nhập cư một lần nữa là mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Chính quyền của Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đang phải vật lộn để quản lý số lượng vượt biên kỷ lục gần đây.
Trong khi đó, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump cũng thường tìm cách hạn chế người nhập cư. “Các quốc gia khác đang dọn sạch các nhà tù, nhà thương điên, viện tâm thần, tống khứ tất cả mọi người, kể cả hàng loạt kẻ khủng bố vào đất nước chúng ta. Bây giờ họ đang ở đất nước của chúng ta”, ông Trump nói tại một cuộc vận động tranh cử ở thành phố Manchester, bang New Hampshire hồi tháng 1 năm nay.
Chưa hết, ông Trump tuyên bố sẽ tăng cường trục xuất đáng kể người nhập cư nếu ông tái đắc cử vào ngày 5/11. Những lời chỉ trích của ông Trump vốn chỉ nhắm vào bộ phận người nhập cư đang cố gắng vượt biên trái phép vào Mỹ. Song, điều này cũng ảnh hưởng tới những người nhập cư nói chung.
Người thợ cơ khí Crespo bày tỏ: “Nhiều người không coi trọng cộng đồng người gốc Latinh chúng tôi. Họ coi chúng tôi như súc vật hoặc nghĩ rằng chúng tôi sống nhờ vào chính quyền. Nhưng điều đó không đúng, chúng tôi cũng phải đóng thuế”.
Sự hy sinh của những người mất tích có thể đáng được ghi nhớ khi việc chống người nhập cư lại nổi lên trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Và khi tiến hành xây dựng lại cây cầu Francis Scott Key, chắc chắn rằng những người nhập cư sẽ là người trực tiếp xây dựng.
Hoài Phương (theo CNN, Reuters)