Phát triển bền vững. (Ảnh: TTXVN)
Trước những yêu cầu đó, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang đẩy mạnh mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế carbon thấp. Tuy nhiên, sự thay đổi này mới diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó, thậm chí “mơ hồ” về chuyển đổi xanh.
Lời khuyên cho doanh nghiệp
Tiến sỹ Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho hay để thay đổi và thích ứng với chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần lưu ý ba điểm chính.
Thứ nhất, doanh nghiệp cần nhận thức rõ yêu cầu bắt buộc từ thị trường về chuyển đổi xanh. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, các tiêu chí về môi trường và xã hội ngày càng khắt khe hơn, nên cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn, trong đó truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc. Đối với ngành thủy sản hay trái cây, các hàng rào kỹ thuật ngày càng gia tăng, đòi hỏi mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi rõ ràng.
“Khi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, doanh nghiệp sẽ đối mặt với sự kiểm tra, đánh giá từ phía đối tác. Đây là áp lực trực tiếp,” ông Thắng lưu ý.
Yêu cầu thứ hai đối với các doanh nghiệp là cần phải chủ động và có tầm nhìn xa trong việc đổi mới công nghệ. Bởi lẽ, chính sách thị trường có thể thay đổi bất cứ lúc nào; nếu không có sự chuẩn bị trước, doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bị động. Việc đầu tư công nghệ đòi hỏi chi phí lớn, nhưng nếu không chuyển đổi sớm, doanh nghiệp có thể mất đi cơ hội cạnh tranh.
Điểm thứ ba, theo ông Thắng là trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường cần được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, bởi nếu lạm dụng hóa chất và tài nguyên thiên nhiên, doanh nghiệp sẽ không chỉ làm tổn hại môi trường mà còn “đánh mất” chính mình. Do vậy, các giải pháp sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên (như Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao với phát thải thấp) là những hướng đi thiết thực cần được nhân rộng.
Trong đó, yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Vì thế, doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng mới, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế xanh. “Chuyển từ một nền kinh tế nâu sang kinh tế xanh đòi hỏi thay đổi cả trong tư duy và cách làm, nhằm khai thác tài nguyên hiệu quả hơn và để lại giá trị bền vững cho thế hệ sau,” ông Thắng nêu quan điểm.
Tuy vậy, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng thẳng thắn nhìn nhận quá trình chuyển đổi xanh trên, các doanh nghiệp có thể sẽ gặp không ít thách thức. Trước tiên là bài toán hiệu quả kinh tế. Đối với nông dân, lợi nhuận vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Đây là lý do cần có các cơ chế hỗ trợ để đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.
Khó khăn thứ hai là về chi phí đầu tư. Việc chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ, máy móc và quy trình sản xuất mới. Ông Thắng cho rằng nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách hoặc các nguồn tài chính ưu đãi, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó có khả năng thực hiện.
Cuối cùng là tư duy. Theo Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, việc chuyển đổi xanh chỉ thực sự hiệu quả khi nó “thấm sâu” vào nhận thức của từng doanh nghiệp, từng người lao động.
Nhiều doanh nghiệp đang đang đẩy mạnh mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế carbon thấp. (Nguồn ảnh: TTXVN)
"Đây là một quá trình cần sự đồng hành từ các cấp chính quyền, các tổ chức hỗ trợ và chính bản thân doanh nghiệp. Khi có những chính sách hỗ trợ phù hợp, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để mạnh dạn chuyển đổi và phát triển bền vững," ông Thắng nói.
Cần pháp lý rõ ràng, cơ chế hỗ trợ thực chất
Từ góc độ chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế tài chính của Chính phủ, đặc biệt là các chính sách về bảo lãnh tín dụng và huy động vốn là yếu tố then chốt để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, để chính sách thực sự hiệu quả, cần bắt đầu từ việc phân loại đặc điểm và mô hình của các dự án, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Đối với các dự án quy mô lớn, hiện Chính phủ đã có những cơ chế pháp lý quan trọng như Luật Đầu tư và hình thức hợp tác công - tư, cho phép khu vực tư nhân tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng và lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, ở cấp độ vi mô, hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ và hộ nông dân vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận tín dụng bởi các khoản vay nhỏ lẻ, thiếu bảo đảm, trong khi nhu cầu vốn lại lớn và ngày càng tăng.
Trước thực trạng đó, ông Việt cho rằng việc phát triển các mô hình hợp tác xã hoặc liên kết sản xuất là giải pháp khả thi, giúp tập trung nhu cầu vốn và nâng cao khả năng vay mượn thông qua cơ chế bảo lãnh tín chấp.
Dẫn ví dụ đối với các dự án chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Việt cho hay thay vì từng hộ kinh doanh tự đứng ra vay vốn, các hợp tác xã có thể đại diện cho nhiều hộ, từ đó tăng tính tín nhiệm và khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.
Đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, đặc biệt trong các khu công nghiệp, ông Việt đề cập đến cơ hội tiếp cận các nguồn vốn quốc tế như tín dụng xanh hay phát hành trái phiếu. Song, ông cảnh báo rủi ro tỷ giá là một trong những trở ngại đáng kể.
“Do đó, việc xây dựng cơ chế bảo lãnh rủi ro tỷ giá hoặc hỗ trợ tài chính từ Nhà nước là cần thiết để giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng đầu tư,” ông Việt lưu ý và cho rằng bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động triển khai các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, chẳng hạn sử dụng công cụ phái sinh hoặc bảo hiểm tỷ giá...
Ngoài ra, để các chính sách phát huy hiệu quả, ông Việt cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Việc đồng bộ hóa từ Trung ương tới địa phương sẽ tạo nên hành lang thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các dự án xanh.
Về phía doanh nghiệp, ông Trịnh Đức Kiên - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kẻ Gỗ, cũng nhìn nhận chuyển đổi xanh và phát triển bền vững hiện không còn là xu hướng mà đã trở thành điều kiện bắt buộc. Đặc biệt trong ngành gỗ, những tiêu chuẩn “xanh” và “bền vững” được áp dụng xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm - từ nguyên liệu đầu vào đến phương thức sản xuất và sản phẩm hoàn thiện.
Tuy vậy, ông Kiên lưu ý để doanh nghiệp tham gia vào “cuộc đua” chuyển đổi xanh, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường quốc tế, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ và những cơ chế hỗ trợ thực chất.
Nêu thực tế từ ngành gỗ, ông Kiên cho hay nguồn nguyên liệu gỗ phải có chứng nhận quản lý rừng bền vững đồng thời phải chứng minh rằng quá trình khai thác không gây phá rừng, mất rừng. Trong quá trình sản xuất, các tiêu chuẩn cũng được siết chặt với yêu cầu áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, không phát thải độc hại. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đang gây áp lực lớn cho doanh nghiệp, nhất là về chi phí.
“Việc thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất và thiết kế sản phẩm làm tăng đáng kể giá thành sản phẩm, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong cạnh tranh, nhất là ở những thị trường vẫn còn nới lỏng các yêu cầu về môi trường,” ông Kiên phân tích.
Bên cạnh đó, ông Kiên cũng đề cập là sự thiếu hụt chính sách hỗ trợ nội địa. Tại Việt Nam, nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn chưa nhận được sự ưu tiên về tiêu thụ vì chưa có quy định cụ thể về lộ trình hạn chế hoặc cấm sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm như túi nilon, ly nhựa...
Từ thực tiễn hoạt động, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kẻ Gỗ đề xuất Chính phủ sớm ban hành lộ trình và thời hạn cụ thể đối với việc cấm hoặc hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường, thay vì chỉ dừng lại ở các chiến dịch kêu gọi tự nguyện.
Ngoài ra, ông Kiên cũng kiến nghị cần ưu tiên mua sắm công đối với hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp đã có đầu tư bài bản trong chuyển đổi xanh đồng thời rà soát, thống nhất các quy định về quản lý nguồn gốc gỗ và lâm sản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chứng minh tính hợp pháp và bền vững của nguyên liệu đầu vào./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tham-gia-vao-cuoc-dua-chuyen-doi-xanh-cac-doanh-nghiep-can-luu-y-gi-244052.htm
Bình luận (0)