Toàn cảnh hội nghị.
Chiều 1/4, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” TP Sầm Sơn đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Phương pháp xây dựng câu lạc bộ dân ca và nghệ thuật hát chèo”, với sự tham gia của NSND Văn Chương; Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Mai Văn Lạng; NSƯT Hạnh Ngân, Đài Tiếng nói Việt Nam; NSƯT Trúc Mai, Nhà hát chèo Hà Nội.
Các đại biểu tham gia hội nghị.
Chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên các câu lạc bộ dân ca và nghệ thuật hát chèo và những người yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống này trên địa bàn TP Sầm Sơn.
Dân ca và chèo không chỉ là di sản nghệ thuật mang giá trị thẩm mỹ sâu sắc mà còn phản ánh phong tục, tập quán, lối sống của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật dân gian, đặc biệt là dân ca và chèo cần có phương pháp tổ chức bài bản, thu hút sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Mai Văn Lạng trao đổi một số nội dung chuyên đề tại hội nghị.
Tại hội nghị, NSND Văn Chương và Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Mai Văn Lạng đã chia sẻ một số nội dung về lịch sử hình thành phát triển của nghệ thuật chèo; việc hình thành các chiếu chèo, làng chèo và câu lạc bộ chèo; vai trò của người diễn viên chèo khi hát, múa, diễn, khi hóa thân vào các tiết mục, vai diễn... Cùng với đó, các nghệ sĩ đã biểu diễn một số tiết mục dân ca, chèo và cùng thảo luận về các phương pháp xây dựng, duy trì câu lạc bộ hiệu quả.
NSND Văn Chương thể hiện làn điệu chèo cổ “Đào Liễu”.
Tại hội nghị, các đại biểu, hội viên các câu lạc bộ dân ca và chèo trên địa bàn TP Sầm Sơn đã chia sẻ về những khó khăn trong quá trính hoạt động như: khó thu hút người trẻ tham gia, thiếu người hướng dẫn chuyên môn...
NSƯT Trúc Mai cùng các nghệ sĩ biểu diễn minh họa một làn điệu chèo cổ.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia đã nhấn mạnh vai trò của câu lạc bộ trong việc truyền dạy dân ca, bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo. Trong đó đề xuất một số giải pháp như: kết hợp với các trường học để đưa dân ca, chèo vào chương trình ngoại khóa; thường xuyên tổ chức giao lưu giữa các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh; xây dựng chương trình hoạt động đa dạng, đổi mới cách tiếp cận để hấp dẫn người trẻ; tận dụng sức mạnh của truyền thông, ứng dụng công nghệ số để lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống... để các câu lạc bộ dân ca, chèo trên địa bàn TP Sầm Sơn nghiên cứu, áp dụng.
Hoài Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hoi-nghi-chuyen-de-phuong-phap-xay-dung-cau-lac-bo-dan-ca-va-nghe-thuat-hat-cheo-244238.htm
Bình luận (0)