Bộ Công Thương rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép hợp kim Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát chống bán phá giá đối với sản phẩm Sorbitol |
Mới đây, 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Thép TVP, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty Cổ phần Tôn Pomina, Công ty Cổ phần Sản xuất thép Vina One, Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh Thép Việt Nhật, Công ty Cổ phần Kim khí Nam Hưng đã gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ; Bộ Công Thương; Cục Phòng vệ thương mại; Hội Nhà báo Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Thép Việt Nam về việc lập luận phản biện và các kiến nghị đối với khả năng khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tại văn bản này, các doanh nghiệp thép bày tỏ mối quan ngại nếu Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực không chỉ đối với ngành thép mà còn đối với toàn nền kinh tế.
Theo đó, thông qua các số liệu, phân tích, 9 doanh nghiệp khẳng định không có hành vi bán phá giá sản phẩm thép HRC nhập khẩu và không có thiệt hại đối với ngành sản xuất HRC Việt Nam nên đề nghị không khởi xướng điều tra bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào đối với sản phẩm thép HRC.
Ý kiến của các doanh nghiệp được sẽ được Cơ quan điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng trong quá trình phân tích, thẩm định chi tiết hồ sơ vụ việc. Ảnh: Hoà Phát |
Thông tin về vấn đề này, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Cục đã nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp chống bán phá giá) của một số doanh nghiệp sản xuất trong nước đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc vào Việt Nam. Theo đó, hiện hồ sơ này đang trong quá trình thẩm định tính đầy đủ hợp lệ.
Căn cứ theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Cơ quan điều tra (Cục Phòng vệ thương mại) sẽ thông báo cho bên yêu cầu về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ yêu cầu.
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hợp lệ, Cơ quan điều tra sẽ thông báo cho Bên yêu cầu nộp hồ sơ bổ sung. Và trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có thông báo hồ sơ đầy đủ hợp lệ, căn cứ vào kiến nghị của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ quyết định việc điều tra hoặc không điều tra.
Theo thông lệ điều tra và các quy định hiện hành, sau khi có văn bản thông báo về hồ sơ đầy đủ hợp lệ, Cục Phòng vệ thương mại sẽ đăng thông báo công khai trên trang web của Cục về hồ sơ yêu cầu điều tra và đề nghị các bên liên quan (bao gồm các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, nhà sản xuất trong nước và các bên liên quan khác) có thể gửi hồ sơ, lập luận và trình bày quan điểm về vụ việc cũng như cung cấp bất kỳ tài liệu hoặc chứng cứ nào khác mà các doanh nghiệp cho rằng liên quan đến vụ việc để Cục xem xét và xử lý.
Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, ý kiến của các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép và các doanh nghiệp nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu thép cuộn cán nóng nhập khẩu sẽ được Cơ quan điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng trong quá trình phân tích, thẩm định chi tiết hồ sơ vụ việc này.
Trên cơ sở các ý kiến, bằng chứng của tất cả các bên liên quan và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của các doanh nghiệp trong vụ việc này, Cơ quan điều tra sẽ có báo cáo thẩm định chi tiết hồ sơ vụ việc này để Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra hoặc không điều tra.
“Quá trình điều tra và xử lý vụ việc sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, khách quan và theo đúng quy định của pháp luật phòng vệ của Việt Nam và WTO”- Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.