Người phát ngôn Chính phủ, ông Chai Wacharonke, thông tin sau cuộc họp ngày 3-3 rằng ban đầu dự luật do Bộ Y tế đề xuất tập trung vào an toàn công cộng, nhưng Chính phủ cũng muốn thúc đẩy du lịch vì đây là ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
“Sẽ có sự cân bằng giữa chăm sóc sức khỏe với việc kích thích kinh tế và du lịch”, ông Chai Wacharonke nói.
Nội các sẽ xem xét chi tiết dự luật trong vòng một tuần, sau đó gửi đến Hội đồng Lập pháp quốc gia – cơ quan pháp lý của Chính phủ, để xem xét kỹ lưỡng.
Nội các Thái Lan cũng bác bỏ 3 dự luật kiểm soát rượu khác từ khối dân sự và đảng đối lập Move Forward, vì được cho là “quá tự do”. Tuy nhiên một số nội dung hữu ích của các dự luật này có thể được tích hợp vào dự luật của Bộ Y tế.
Dự luật mới định nghĩa lại đồ uống có cồn, bất kỳ loại đồ uống nào có nồng độ cồn không quá 0,5% sẽ không được xem là đồ uống có cồn.
Bộ trưởng phụ trách sẽ có thẩm quyền ban hành bổ sung các quy định kiểm soát địa điểm và thời gian sử dụng đồ uống có cồn.
Dự luật kiểm soát rượu mới của Thái Lan hứa hẹn sẽ mang lại sự cân bằng giữa việc đảm bảo an toàn cộng đồng và thúc đẩy du lịch. Vào tháng 2, Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Thái Lan chính thức giảm thuế đối với rượu và các địa điểm giải trí đêm.
Thuế suất tính theo giá trị đối với rượu nho và rượu nho có gas đã giảm từ 10% còn 5%. Thuế đối với rượu hoa quả cũng giảm từ 10% còn 0%, mức thuế đối với các loại rượu địa phương (có nồng độ cồn dưới 7 độ) cũng giảm từ 10% còn 0%.
Ngoài ra thuế với các địa điểm giải trí về đêm, bao gồm hộp đêm và quán rượu, giảm từ 10% còn 5% từ ngày 23-2 đến ngày 31-12.