Thách thức song hành cùng cơ hội

Báo Công thươngBáo Công thương13/02/2025

Theo MXV, tính đến cuối tháng 7/2024, giá ngô được giao dịch liên thông trên Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago đã lao dốc hơn 20% so với hồi đầu năm.


Thị trường ngô thế giới đã kéo dài đà giảm sang năm thứ hai liên tiếp, đặt ra nhiều thách thức lớn trong năm 2025. Những biến động về chính sách kinh tế, thương mại và thời tiết dự báo sẽ tạo nên một bức tranh khó đoán cho mặt hàng nông sản này. Liệu ngô có cơ hội bứt phá, lấy lại vị thế sau hai năm trầm lắng hay không? Đây sẽ là câu hỏi lớn với các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong năm mới.

Dư cung trên thị trường kéo giá ngô “tụt dốc”

Nhìn lại năm 2024, thị trường ngô biến động tương đối giằng co và kết thúc năm với mức giảm nhẹ. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, tính đến cuối tháng 7/2024, giá ngô được giao dịch liên thông trên Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CBOT) đã lao dốc hơn 20% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 26/8, giá ngô đã lao xuống mức 361 cents/giạ (142,12 USD/tấn) - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020. Tuy nhiên, sau đó giá mặt hàng này lại nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ, gần như xóa hết đà giảm trước đó. Diễn biến này cho thấy sự giằng co và khó đoán của thị trường khi giá chịu sự chi phối của các yếu tố cung - cầu.

Thị trường ngô thế giới 2025: Thách thức song hành cùng cơ hội
Diễn biến giá ngô trong vòng 3 năm

Về phía nguồn cung, sản lượng ngô toàn cầu duy trì ở mức cao, đặc biệt tại các quốc gia sản xuất lớn nhất trên thế giới như Mỹ, Brazil và Argentina. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2023-2024 đạt mức 1,23 tỷ tấn, tăng 70.000 tấn so với niên vụ trước. Nguồn cung dồi dào đã góp phần đã tạo áp lực lên diễn biến giá.

Trong khi đó, về phía cầu, thị trường ngô cũng chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình kinh tế Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu ngô hàng đầu thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc trong năm qua tiếp tục đối mặt với những khó khăn do cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tình trạng đình trệ kinh tế. Điều này khiến người dân thắt chặt chi tiêu, làm giảm nhu cầu tiêu thụ ngô.

Sau giai đoạn bùng nổ nhập khẩu vào cuối năm 2023, hoạt động mua ngô của Trung Quốc đã dần chậm lại và ở mức thấp vào năm ngoái. Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, tổng khối lượng nhập khẩu ngô của nước này trong năm 2024 đã giảm sốc tới hơn 49% so với năm trước, tương đương mức 13,78 triệu tấn ngô. Trong đó, ngô Brazil vẫn là sự lựa chọn hàng đầu do giá thấp, tiếp theo là Mỹ và Ukraine.

Thị trường ngô thế giới 2025: Thách thức song hành cùng cơ hội
Nhập khẩu ngô của Trung Quốc giai đoạn 2023 - 2024

Tuy nhiên, Mexico, khách hàng nhập khẩu ngô lớn nhất của Mỹ và là nước nhập khẩu ngô lớn thứ ba thế giới vẫn duy trì nhu cầu ổn định. Đây là “điểm sáng” giúp hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ ghi nhận sự cải thiện rõ rệt trong những tháng cuối năm, từ đó giúp giá ngô CBOT hồi phục mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định thị trường ngô năm 2024 đã trải qua nhiều biến động với sự giằng co giữa các yếu tố cung - cầu. Mặc dù nguồn cung dồi dào từ các quốc gia sản xuất lớn như Mỹ, Brazil và Argentina đã gây áp lực giảm giá, nhưng sự hồi phục mạnh mẽ của giá ngô CBOT vào cuối năm cho thấy sức hút từ nhu cầu ổn định của các thị trường nhập khẩu chính như Mexico. Trong bối cảnh hiện tại, các yếu tố cung – cầu, cùng chính sách thương mại tiếp tục sẽ là chìa khóa quyết định xu hướng giá ngô trong thời gian tới.

Thị trường ngô thế giới 2025: Thách thức song hành cùng cơ hội
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Bức tranh thị trường ngô thế giới năm 2025 như thế nào?

Sau hai năm suy yếu, giá ngô đang đưa ra nhiều tín hiệu cho biết sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. Tuy nhiên, theo dự báo của MXV, thị trường ngô sẽ tiếp tục biến động khó lường do tác động của cả yếu tố cung - cầu, chính sách thương mại của các nước và sự biến đổi thời tiết.

Với Mexico, đối tác nhập khẩu hơn 15 triệu tấn ngô Mỹ hàng năm thì việc áp thuế của Trump sẽ làm xấu đi quan hệ giữa hai nước. Mặc dù vậy, giới phân tích nhận định, Mexico khó lòng có thể từ bỏ nguồn cung ngô Mỹ do lợi thế địa lý và chất lượng ổn định. Việc vận chuyển ngô từ Brazil hay Argentina sang Mexico tốn gấp đôi thời gian và chi phí so với từ Mỹ. Điều này khiến các nhà máy chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Mexico khó tìm được nguồn thay thế hiệu quả.

Thị trường ngô thế giới 2025: Thách thức song hành cùng cơ hội
Nhập khẩu ngô của Mexico qua các niên vụ

Trong khi đó, Trung Quốc, thị trường tiêu thụ ngô hàng đầu lại đang đứng trước lựa chọn khó khăn. Nếu Mỹ leo thang căng thẳng, Bắc Kinh có thể áp thuế trả đũa lên nông sản Mỹ, từ đó chuyển hướng nhu cầu sang Brazil và Argentina. Điều này vô hình trung lại làm giảm sự đa dạng hóa nguồn cung của Trung Quốc. Nếu nguồn cung từ Nam Mỹ không dồi dào như kỳ vọng, Trung Quốc sẽ buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa an ninh lương thực và đấu tranh thương mại với Mỹ.

Thị trường ngô dự báo cũng sẽ đối diện với những "mối đe dọa" từ sự trở lại của La Nina. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết có khoảng 55% hiện tượng thời tiết La Nina sẽ quay lại vào cuối tháng 2/2025, song cũng có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 với khả năng tương tự là khoảng 55%.

Thông thường trong những năm La Nina xuất hiện, vụ mùa tại Brazil và Argentina sẽ phải đối phó với rất nhiều kiểu thời tiết bất lợi như khô hạn và sương giá. Đây được xem là "quả bom hẹn giờ" đối với nguồn cung ngô toàn cầu.

Điển hình trong quá khứ, giai đoạn 2020-2023, giá ngô đã tăng ba năm liên tiếp, phần lớn là do tác động của La Nina đến nguồn cung Nam Mỹ. Sự quay trở lại của La Nina càng làm tăng rủi ro mùa vụ hơn khi trong năm nay đối với ngô vụ 2, vụ ngô chiếm 70-75% sản lượng hàng năm của Brazil, dự kiến sẽ trồng muộn do hoạt động thu hoạch đậu tương chậm trễ. Ngô gieo trồng chậm sẽ có xác suất cao hơn gặp thời tiết bất lợi vào cuối mùa. Đây có thể sẽ là yếu tố giúp ngô tăng giá trong năm 2025.

Năm 2025 được dự báo sẽ chứng kiến sự xáo trộn mạnh trong cơ cấu nguồn cung nông sản Mỹ, khi giá cả và chính sách thương mại trở thành yếu tố quyết định việc phân bổ đất đai giữa hai cây trồng chủ lực là ngô và đậu tương. Ngô và đậu tương là những cây trồng được sản xuất cùng thời điểm trong năm tại Mỹ và thường cạnh tranh diện tích trồng của nhau trong mùa vụ.

Trong năm 2024, cả giá ngô và đậu tương đều giảm, tuy nhiên mức giảm của đậu tương nhiều hơn nhiều so với ngô. Hiện tại, tỷ lệ corn to soybeans price ratio (tỷ lệ giá đậu tương/giá ngô) của Mỹ đang thấp hơn nhiều so với mức 2,5 tiêu chuẩn. Điều đó đồng nghĩa với việc trồng ngô đang mang lại lợi nhuận cao hơn so với đậu tương.

Thị trường ngô thế giới 2025: Thách thức song hành cùng cơ hội
Tỷ lệ giá đậu tương/giá ngô

Theo phân tích của S&P Global Commodity Insights, diện tích trồng ngô niên vụ 2025 tại Mỹ dự kiến tăng 3,2 triệu mẫu, đạt 93,5 triệu mẫu. Ngược lại, đậu tương tiếp tục “mất đất” khi diện tích ước tính giảm 4,3% (còn 83,3 triệu mẫu). Điều này phản ảnh kỳ vọng rằng nguồn cung ngô của Mỹ sẽ mở rộng hơn trong năm tới.

Tuy nhiên, sự mở rộng này cũng đặt ra thách thức về khả năng tiêu thụ. Nếu xuất khẩu ngô từ Mỹ sang Trung Quốc và Mexico gặp trở ngại, nguồn cung dư thừa có thể khiến giá ngô CBOT giảm mạnh.

Trong kịch bản hoạt động xuất khẩu của Mỹ không chịu nhiều ảnh hưởng bởi chính sách của ông Trump và vụ mùa tại Nam Mỹ bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, nguồn cung từ Mỹ sẽ nhận được sự chú ý từ thị trường, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Một yếu tố khác dự kiến sẽ ảnh hưởng mạnh đến giá vào năm sau là nhu cầu từ Trung Quốc. Sau một năm vật lộn với khủng hoảng bất động sản và tiêu dùng nội địa ì ạch, Trung Quốc đang nỗ lực hồi sinh nền kinh tế thông qua các biện pháp kích thích tăng trưởng táo bạo. Nếu những biện pháp này phát huy hiệu quả, nhu cầu tiêu thụ ngô của nước này dự kiến sẽ tăng đáng kể, tạo động lực mạnh mẽ cho giá ngô toàn cầu.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu ngô lớn, với nhu cầu chủ yếu đến từ ngành chăn nuôi và sản xuất ethanol. Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang tập trung phục hồi sản xuất và tiêu dùng nội địa, nhu cầu ngô dự kiến sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, mức độ phục hồi còn phụ thuộc vào hiệu quả của các chính sách kinh tế cũng như tình hình tiêu thụ thịt và các sản phẩm chăn nuôi khác.

Nhu cầu từ Trung Quốc có thể sẽ là yếu tố then chốt quyết định hướng đi của giá ngô trong năm 2025. Tuy nhiên, diễn biến cụ thể vẫn cần được theo dõi sát sao trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động.

Theo MXV, năm 2025 dự báo sẽ là một năm đầy thách thức nhưng cũng ẩn chứa nhiều cơ hội cho thị trường ngô toàn cầu. Nguồn cung lớn từ Mỹ và Nam Mỹ có thể tiếp tục gây áp lực giảm giá, đặc biệt nếu các chính sách thương mại của chính quyền Trump ảnh hưởng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, sự quay trở lại của hiện tượng La Nina và chậm trễ mùa vụ tại Nam Mỹ có thể tạo cú húych cho giá ngô. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, các nhà đầu tư cần theo dõi sát sao diễn biến chính sách thương mại và sản lượng mùa vụ để có thể đưa ra các quyết định giao dịch chính xác.


Nguồn: https://congthuong.vn/thi-truong-ngo-the-gioi-2025-thach-thuc-song-hanh-cung-co-hoi-373593.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available