Trong khi việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch năm 2024 đã gần như rất rõ ràng, với tăng trưởng GDP nhiều khả năng đạt 7%, thậm chí cao hơn nếu như trong những ngày cuối cùng của tháng 12/2024, các cấp ngành, các doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa để tăng tốc, về đích, thì chặng đường của năm 2025 đang là một thách thức lớn.
Trong khi việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch năm 2024 đã gần như rất rõ ràng, với tăng trưởng GDP nhiều khả năng đạt 7%, thậm chí cao hơn nếu như trong những ngày cuối cùng của tháng 12/2024, các cấp ngành, các doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa để tăng tốc, về đích, thì chặng đường của năm 2025 đang là một thách thức lớn.
Thách thức càng lớn hơn, khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm đưa kinh tế năm 2025 đạt mức tăng trưởng 8%, thay vì mức 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% như Quốc hội đã quyết nghị.
Trong bối cảnh cả kinh tế thế giới và trong nước vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, biến động địa chính trị toàn cầu còn phức tạp, thì đây là một bài toán không dễ giải. Thậm chí, đã có ý kiến cho rằng, mục tiêu này là “quá sức”. Tuy vậy, như trả lời báo chí của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương mới đây, vấn đề không phải là quá sức hay không quá sức, mà đã đặt ra thì phải quyết tâm làm.
Phấn đấu đạt tăng trưởng 8% trong năm 2025 – năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 không phải chỉ là cho riêng năm 2025, hay là cho giai đoạn 5 năm 2021-2025, mà quan trọng hơn, còn là bước chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030 và xa hơn, tới năm 2045.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2024 mới đây đã nhấn mạnh việc phải làm sao hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024, trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,5%, cả năm 2024 đạt trên 7%; đồng thời, giữ đà, giữ nhịp để tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025; tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng hai con số.
Đã đặt ra thì phải quyết tâm làm. Bởi thế, trong Dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, hàng loạt giải pháp đã được đặt ra. Dù đây mới chỉ là bản sơ thảo ban đầu, nhưng có thể thấy rất rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao 8% trong năm tới.
Thực ra, có nhiều cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2025. Nền tảng của năm 2024 là điều quan trọng. Cùng với đó, có nhiều nhân tố mới với các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế, với việc nhiều dự luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV vừa qua.
Tư duy đột phá của các luật này được cho là sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn, những vướng mắc của đầu tư, kinh doanh, qua đó giải phóng được nguồn lực lâu nay bị ách tắc để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Việc các dự luật đó có hiệu lực từ năm 2025 sẽ tạo “điểm rơi” tốt để kích thích tăng trưởng cho năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, cũng như tạo đà cho các năm về sau.
Chuyện tinh gọn bộ máy có thể cũng sẽ là động lực quan trọng cho nền kinh tế không chỉ trong năm 2025, mà quan trọng hơn, cho cả giai đoạn phát triển trong tương lai. Không phải ngẫu nhiên, Thủ tướng chỉ đạo, công việc từ nay đến cuối năm và đầu năm 2025, phải làm cùng lúc 3 nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiều việc khó, phức tạp, nhạy cảm. Đó là tập trung tăng tốc, bứt phá, về đích năm 2024; là tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiến hành tổng kết công tác năm 2024 và xây dựng kế hoạch hoạt động của năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh việc mạnh dạn xây dựng chính sách nhìn xa, trông rộng, nghĩ lớn, làm lớn. Đó chính là những nền tảng vô cùng quan trọng để nền kinh tế có thể kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm tới, dù đó sẽ là năm bộn bề khó khăn và thách thức.
Nguồn: https://baodautu.vn/thach-thuc-kinh-te-2025-d232133.html