Bỏ việc lương cao “về vườn”
Tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính ở Anh năm 2012, anh Tăng Đình Sơn (36 tuổi) vào làm việc tại một ngân hàng có tiếng ở Hà Nội, đã có 10 năm gắn bó với công việc này. Thu nhập hơn 1.000 USD/tháng của Sơn được xem là ổn định.
Tuy nhiên, không thoải mái với công việc làm thuê, anh Sơn quyết định “về vườn” làm trang trại, một lĩnh vực không hề liên quan đến ngành nghề được đào tạo.
“10 năm làm ngân hàng, mức thu nhập của tôi khá cao. Nhà ở Hà Nội nên chẳng phải lo nghĩ chuyện nhà cửa hay xe cộ. Tuy nhiên, cuộc sống mỗi ngày cứ lặp đi lặp lại, từ nhà đến nơi làm việc, cuối tháng đợi nhận lương, tôi không thấy vui. Tôi thực sự muốn thay đổi cuộc sống của mình.
Thấy sống ở thành phố gò bó, ngột ngạt, vậy là tôi quyết định “về vườn” làm nông dân”, anh Sơn vui vẻ kể.
Anh chia sẻ, từng ấp ủ kế hoạch “về vườn” nên khoảng thời gian làm việc ở ngân hàng, toàn bộ số tiền tiết kiệm được anh đầu tư mua đất trong Nha Trang.
“Tôi chọn Nha Trang vì thích khí hậu tại thành phố biển. Ban đầu tôi mua đất để đó như tài sản để dành, sau này nếu được giá thì bán chứ không có ý định về làm trang trại. Tới năm 2021, tôi mới quyết định nghỉ việc và thông báo cho bố mẹ biết”, anh Sơn chia sẻ.
Bỏ công việc ổn định, quần áo là lượt, cuộc sống “mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu” để tới một nơi xa xôi, cách Hà Nội cả nghìn km để làm nông, anh Sơn khiến không ít bạn bè, đồng nghiệp “sốc”. Bố mẹ anh cũng phản đối gay gắt việc con trai bỏ phố về quê.
“Được học hành đến nơi đến chốn, có công việc ổn định lại bỏ đi làm nông. Con có bị hâm không, vào đó chịu sao nổi?”, anh Sơn nhớ lại lời bố nói hơn 2 năm trước.
Vài ngày sau, anh Sơn viết đơn báo nghỉ việc ở ngân hàng, mặc bố mẹ cố sức ngăn cản. Anh đặt hết niềm tin, đánh cược với quyết định của mình. Anh tự tin hơn khi tích góp số tiền đủ sống được trong một năm không có việc làm, thu nhập.
Thời gian đầu “về vườn” sinh sống, chàng thư sinh gốc Hà Thành bị cái nắng miền Trung đánh gục, anh sụt gần 20kg so với lúc làm công việc văn phòng. Hơn nữa, việc cầm cuốc với một người sinh ra, lớn lên nơi phố thị vô cùng khó khăn.
Nhưng anh Sơn vẫn quyết tâm làm tới, coi đó là những trải nghiệm khó quên.
Ớt ngoại chế tương Việt xuất bán ở nước ngoài
Trong lúc chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì, anh Sơn tình cờ đọc được một bài báo nước ngoài viết về cuộc thi ăn cay. Sơn nhớ lại thời gian học thạc sĩ ở Anh, vốn rất thích ăn cay, anh đã thử rất nhiều loại ớt với những xuất xứ khác nhau.
“Ớt là một loại gia vị không thể thiếu và có tiềm năng kinh tế nhưng ở Việt Nam, nếu khởi nghiệp với các giống ớt bình thường thì không có cửa cạnh tranh với những thương hiệu đã có tiếng. Từ đó tôi nảy ra ý tưởng đầu tư trồng các loại ớt ngoại”, anh nói.
Nghĩ là làm, anh Sơn lên mạng tìm hiểu và nhờ bạn bè ở nước ngoài mua hạt giống giúp. Ban đầu anh lựa chọn trồng ớt Carolina Reaper bởi là loại quả gia vị này có giá trị kinh tế cao, lên tới gần 1 triệu đồng/kg.
Có hạt giống trong tay, anh Sơn bắt đầu ươm cây giống và trồng thử vài chục chậu để chơi, tỉ lệ nảy mầm chỉ được 30%. Không có kinh nghiệm về nông nghiệp cũng như kiến thức về các loại ớt nên anh Sơn xác định chỉ trồng để chơi.
Sau thời gian tìm hiểu, anh Sơn nhận thấy khí hậu ở Nha Trang phù hợp để ớt đạt đến độ cay tốt nhất nhưng Đà Lạt mới là nơi thích hợp cho việc ươm cây giống. Không chần chừ, anh quyết định xuống tiền thuê một mảnh vườn tại Đà Lạt để sản xuất cây giống.
Ban đầu trồng số lượng ít, cây ớt phát triển tốt và cho năng suất cao, tuy nhiên khi anh Sơn nhân rộng mô hình lên trên 1.000 cây, chàng thư sinh Hà Nội nhận trái đắng đầu tiên. Toàn bộ diện tích trồng ớt bị sâu bệnh phá hoại.
Bên cạnh đó, nhiều giống ớt không hợp thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam nên cây chết sạch, mất trắng vốn đầu tư. Khoản tiền anh tiết kiệm được “nướng” hết theo giấc mơ ớt ngoại.
“Năm đầu tiên khởi nghiệp chưa có thu nhập thì lại bị sâu bệnh phá hoại, khoản đầu tư gần như mất trắng. Tiếc số tiền “ném qua cửa sổ”, có lúc tôi từng nghĩ hay là bỏ cuộc, quay lại làm công việc văn phòng kiếm lại số tiền đã mất”, anh Sơn trải lòng.
Nhưng rồi sốc lại tinh thần, anh quyết tâm lặn lội khắp nơi, đến các vùng trồng ớt ở Đà Lạt, Đắk Lắk học cách trồng và chăm sóc cây ớt với niềm tin sẽ thành công trong tương lai gần.
Nhiều tháng trời vừa học, vừa “ăn nằm” ngoài vườn ớt, anh Sơn dần rút ra kinh nghiệm và tìm ra phương pháp chữa sâu bệnh cho cây. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, anh Sơn chinh phục thành công hầu hết các giống ớt ngoại.
Hiện tại, ngoài duy trì trồng các giống ớt chủ lực như “hơi thở rồng”, carolina đỏ, vàng, palermo, habanero để làm tương ớt, anh Sơn trồng thêm hơn 50 loại ớt ngoại khác để phục vụ khách tham quan.
Mỗi ngày, 1 hecta trồng ớt cho thu hoạch từ 1-3kg ớt tươi, anh Sơn không bán mà dùng để nấu tương ớt mang thương hiệu của riêng mình.
“1kg ớt tươi sẽ nấu được 10 chai tương ớt 100ml, mỗi chai có giá bán 250.000 đồng, nhiều lúc không có để bán”, anh Sơn cho biết.
Trung bình mỗi tháng, anh bán 250-300 chai tương ớt, thu về khoảng 70 triệu đồng. Tổng doanh thu cả năm từ cây ớt gần một tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, anh lãi 400-500 triệu đồng.
Đến nay, thương hiệu tương ớt của anh đã có mặt ở các nhà hàng, siêu thị chuyên bán đồ hữu cơ tại Hà Nội, TPHCM. Ngoài nguồn thu nhập chính từ tương ớt, anh Sơn cũng có thêm thu nhập nhờ bán cây giống.
Sau khi đã dày dạn kinh nghiệm, anh Sơn thường livestream trên mạng xã hội để chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc cho những người có cùng đam mê, muốn khởi nghiệp trồng ớt ngoại giống mình.
Hai năm bỏ phố về vườn, anh Sơn chiêm nghiệm, để đánh giá quyết định này đúng hay sai thực sự khó. Trước mắt, anh dự định duy trì ổn định diện tích trồng ớt trong nông trại, sau này có vốn sẽ thuê thêm đất để mở rộng vườn.
“Bỏ công việc lương cao về quê khởi nghiệp thực sự là quyết định táo bạo và đầy rủi ro. Cú liều ấy bước đầu giúp tôi có thu nhập khá hơn nhiều so với công việc trước đó”, anh Sơn chốt lại.