A Lưới có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhờ vào văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số 

Đầu tư hạ tầng

A Lưới là huyện miền núi thuộc TP. Huế, độ cao trung bình từ 600-800m so với mực nước biển. Đây là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông khá hoàn chỉnh, có 100km đường Hồ Chí Minh đi qua, đường biên giới hơn 80km tiếp giáp với nước bạn Lào, qua 2 cửa khẩu (Hồng Vân - Cô Tài và A Đớt - Tà Vàng).

Đường giao thông nối từ tỉnh Salavan nước bạn Lào qua cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài thông tuyến với Quốc lộ 1, nối khu vực miền núi A Lưới với các huyện đồng bằng qua Quốc lộ 49, là hành lang kinh tế Đông - Tây, do đó thuận lợi trong việc thông thương hàng hóa và phát triển du lịch với các nước trong khu vực châu Á qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) và các tỉnh lân cận.

Ông Hồ Viết Lượng, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, huyện A Lưới cho biết, trên địa bàn ngoài tuyến Quốc lộ 49 đi qua, còn có các tuyến đường liên xã, thôn được đầu tư và hoàn thiện trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới. Những tuyến đường này kết nối đến các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch địa phương. Nhờ giao thông khá thuận tiện mà địa bàn Hồng Hạ như “gần” hơn với A Lưới cũng như trung tâm thành phố.

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng A Lưới, mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn huyện về mặt tổng thể cơ bản đã hoàn thành, tại các điểm du lịch đều có các tuyến đường được đầu tư qua các thời kỳ, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại. Đường Hồ Chí Minh xây dựng từ trong kháng chiến chống Mỹ, được Nhà nước đầu tư xây dựng nâng cấp thành đường cấp 3 tiêu chuẩn miền núi, qua địa bàn A Lưới hơn 100km. Ngoài ra, còn có tuyến Quốc lộ 49 từ cửa Thuận An, qua Huế đến ngã ba Bốt Đỏ và qua Lào, chiều dài 78km.

Bên cạnh các tuyến đường quốc lộ trên, A Lưới còn có 4 trục đường ngang nối liền xuống đồng bằng, đó là đường 71 từ làng A Năm (xã Hồng Vân) và làng Đụt (xã Hồng Kim) qua dốc A Lung và dốc Chè về Phong Điền; đường 72 từ xã Phú Vinh qua Hồng Hạ, Hương Nguyên về trung tâm thành phố; đường 73, 74 từ xã Hương Lâm qua A Roàng, Hương Nguyên về huyện Phú Lộc, nền đường rộng 6 mét, mặt đường rộng 3,5 mét, hiện nay mới nâng cấp.

A Lưới còn có hàng trăm con đường mòn liên bản, liên thôn, liên xã, giao thông đi lại giữa các bản làng, các xã và nối liền miền núi với đồng bằng, giữa miền xuôi với miền ngược, rất thuận lợi để di chuyển đến các điểm du lịch.

Đa dạng hóa sản phẩm

A Lưới hiện có 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng, 24 điểm du lịch đang khai thác, 33 cơ sở lưu trú (trong đó 24 homestay, 9 nhà nghỉ). Các loại hình kinh doanh dịch vụ khá đa dạng, phong phú như: Dịch vụ lưu trú, du lịch trải nghiệm, trekking, dịch vụ mua bán các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương và các dịch vụ giải trí, chợ phiên vùng cao, văn nghệ dân gian, ẩm thực, chương trình một ngày làm người Pa Cô, khai thác rượu đoác, tour sinh tồn trong rừng nguyên sinh, đan chiếu, dệt zèng…

Làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim) là sản phẩm OCOP 3 sao của huyện A Lưới, trở thành điểm du lịch cấp tỉnh (nay là TP. Huế) và năm 2019 được chọn là một trong ba làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam. Những sản vật nông sản từ núi rừng, sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề dệt zèng thổ cẩm, đan lát mây tre, làm chổi đót… ngày càng được du khách ưa chuộng.

Theo UBND huyện A Lưới, vừa qua, nhãn hiệu “Du lịch A Lưới” được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ đã giúp xây dựng thương hiệu điểm đến đối với du lịch A Lưới, đồng thời tạo dựng niềm tin đối với khách hàng sử dụng, trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ của địa phương. Từ đó, từng bước đưa thương hiệu Du lịch A Lưới vươn tầm quốc gia, quốc tế, dễ dàng nhận diện và vươn ra thị trường.

Hiện nay, có khá nhiều chính sách mà người dân, đồng bào DTTS có thể tiếp cận để làm du lịch như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, UBND huyện có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn. UBND huyện A Lưới đã tập trung tôn tạo các điểm di tích lịch sử, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch sinh thái và hỗ trợ bà con, thôn bản phát triển homestay, nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển du lịch. Xây dựng quy chế phối hợp tổ chức hoạt động các điểm du lịch tại khu vực biên giới. Nâng cao nhận thức và tạo động lực, khuyến khích bà con làm du lịch. Bên cạnh đó, A Lưới cũng tranh thủ các nguồn dự án để phát triển du lịch trên địa bàn.

A Lưới đặt ra mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và điểm đến nhằm phấn đấu để địa phương này là “nơi đáng đến, đáng ở lại và có thứ đáng để mang về”. Kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, những sản vật nông sản từ núi rừng, những sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề ngày càng được du khách ưa chuộng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thời gian tới, huyện A Lưới tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên nguồn lực tập trung phát triển du lịch. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp và tăng cường quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch trên địa bàn.

Theo UBND huyện A Lưới, lượng khách tham quan du lịch A Lưới ngày càng tăng. Năm 2023, tổng lượt khách đạt 72.000 lượt. Doanh thu khoảng 36 tỷ đồng. Năm 2024, tổng lượt khách ước đạt 75.000 lượt. Trong đó, khách nội địa đạt 70.000, khách quốc tế trên 5.000 lượt, khách lưu trú ước đạt 10.000 lượt. Doanh thu khoảng 37,5 tỷ đồng.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN