Ông Stephen West, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) nhấn mạnh: Triết lý hạnh phúc trong giáo dục là yếu tố then chốt trong việc xây dựng một tương lai, nơi mà trẻ em của chúng ta không chỉ đạt được thành công học thuật mà còn phát triển như những cá nhân hạnh phúc và toàn diện.
Hạnh phúc là quá trình, không phải là đích đến
Mới đây, trường TH School (cơ sở Chùa Bộc, Hà Nội) được Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) chọn làm địa điểm tổ chức Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục 2024”. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày, quy tụ các chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước và trên thế giới với chuỗi gần 20 bài diễn thuyết, các phiên thảo luận (workshops) chia sẻ kỹ năng, phương pháp, cấu trúc, mô hình để có môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh.
Ông Stephen West, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) chia sẻ hạnh phúc trong trường học.
Tại phiên khai mạc, ông Stephen West, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) chia sẻ về hành trình đi tìm hạnh phúc của bản thân và thẳng thắn nhìn nhận về hạnh phúc trong giáo dục hiện nay.
Ông Steven cho biết, cách đây 6 năm ông có dự định đến Việt Nam thử làm việc trong 2 năm, tuy nhiên, những trải nghiệm tuyệt vời ở đây đã khiến ông thay đổi quyết định ở lại lâu hơn. Ông đánh giá giáo dục Việt Nam đang trong “thời đại cách mạng”, có điều kiện để thực hiện những thay đổi lớn.
Giám đốc Viện EDI kể lại bản thân học tập tại quê hương Australia những năm cấp 3 không tốt, chỉ giữ hạng C vì ở bậc học này không có liên kết giữa các môn học, không có cách tiếp cận tổng hợp. Trong khi nhiều người muốn ông học đại học thì ông đã dừng lại để đi làm trong trang trại xuất khẩu hoa hồng của gia đình. Sau đó, ông trải nghiệm nhiều công việc khác như nhiếp ảnh, không quân, công nghệ… Năm 30 tuổi, ông quay lại trường đại học và cạnh tranh với các sinh viên trẻ. Lúc này, ông đã hiểu rõ mục tiêu học tập của mình nên liên tục đạt điểm A. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giảng viên và rất yêu thích, hứng thú công việc này.
Từ câu chuyện bản thân, ông đưa ra kết luận: Hạnh phúc là một phần quan trọng của cuộc sống. Hạnh phúc là toàn bộ quá trình, không phải đích đến. Chúng ta học hỏi từ những sai lầm và dần hoàn thiện bản thân mình hơn.
Học sinh TH School hào hứng tham gia tiết học.
Thế nào là hạnh phúc trong giáo dục?
Theo ông Steve, hạnh phúc trong giáo dục là mục tiêu nhiều nước trên thế giới hướng đến. Thực tế, theo kinh nghiệm cá nhân của ông, không phải mọi trường học ở “các nền giáo dục tiên tiến”- theo cách nói của Việt Nam – đều thực sự là môi trường giáo dục hạnh phúc.
Nói về hạnh phúc trong giáo dục, ông Steve chia sẻ: “Triết lý hạnh phúc trong giáo dục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường cảm xúc và tâm lý tích cực trong trường học. Triết lý này cho rằng hạnh phúc không chỉ là mục tiêu cuối cùng mà còn là một phần không thể thiếu trong quá trình học tập. Triết lý này khuyến khích phát triển sự thông minh về cảm xúc, sự kiên trì và cảm giác gắn kết của học sinh – những yếu tố góp phần vào hạnh phúc, sự hài lòng cá nhân và thành công trong học tập.
Các yếu tố chính của hạnh phúc trong giáo dục bao gồm:
Sức khỏe tinh thần: Ưu tiên sức khỏe tinh thần, sức khỏe cảm xúc của học sinh và giáo viên.
Sự gắn kết: Tạo ra một môi trường học tập thú vị, khuyến khích sự sáng tạo, tò mò và niềm đam mê học hỏi.
Cộng đồng: Xây dựng mối quan hệ xã hội bền chặt giữa các học sinh và trong cộng đồng giáo dục để thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.
Tại Việt Nam, việc tích hợp yếu tố hạnh phúc cảm xúc và tâm lý vào giáo dục đang ngày càng được quan tâm. Các trường học đã bắt đầu tích hợp các chương trình giáo dục không chỉ chú trọng đến thành tích học tập mà còn đề cao phát triển cảm xúc, kỹ năng sống và tinh thần đồng đội. Những hoạt động như giáo dục về kỹ năng mềm, nghệ thuật, thể thao và các hoạt động ngoại khóa đều là những yếu tố quan trọng giúp học sinh phát triển toàn diện và cảm thấy hạnh phúc.
Tuy nhiên, việc triển khai hạnh phúc trong giáo dục vẫn gặp một số khó khăn, như thiếu nguồn lực, khó khăn trong việc thay đổi nhận thức của một số giáo viên và phụ huynh. Bên cạnh đó, việc xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng.
Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng xu hướng đưa mô hình trường học hạnh phúc vào giáo dục Việt Nam đang ngày càng phát triển và được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực trong hệ thống giáo dục, giúp học sinh không chỉ thành công trong học tập mà còn phát triển tốt về mặt cảm xúc và tinh thần.
Ngôi trường hạnh phúc là nơi học sinh cảm thấy được thuộc về.
Con số ấn tượng về hạnh phúc trong giáo dục tại TH School
Ông Steve cho biết, các giáo viên của Hệ thống trường TH School thường xuyên được đào tạo, cập nhật kỹ năng bởi các khóa học của Viện EDI và thấm nhuần triết lý hạnh phúc trong giáo dục, được nhà trường thúc đẩy và tạo điều kiện thực thi những triết lý này, tạo nên những tiết học hạnh phúc và môi trường học đường giúp phát huy tiềm năng cá nhân của con trẻ.
Ngay từ ngày đầu thành lập trường, Anh hùng lao động Thái Hương, người sáng lập TH School đã nêu quan điểm: “Chúng ta hãy xây dựng TH School bằng trái tim và tấm lòng người mẹ, bằng sự truyền thụ nền giáo dục tiên tiến của thế giới và tinh hoa Việt Nam học. TH School tạo dựng hạnh phúc đích thực cho học sinh, tạo ra nguồn nhân lực vàng chuẩn quốc tế vì một Việt Nam hùng cường”.
Và ở hiện tại, Giám đốc Viện EDI đánh giá, TH School là một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng triết lý hạnh phúc vào mô hình giáo dục của mình, tích hợp nhiều phương pháp nhằm nuôi dưỡng hạnh phúc cho học sinh. Thực tế, TH School đã triển khai triết lý hạnh phúc ngay từ khi thành lập. Một trong những giá trị cốt lõi của Nhà trường là “Vì hạnh phúc đích thực,” cùng với các giá trị khác như Phát triển toàn diện; Tận tâm, Lòng biết ơn và nhân văn; Tư duy toàn cầu; Tự hào Việt Nam.
Học sinh TH School tự tin thể hiện năng lực trong hội thảo giáo dục quốc tế.
Các tiết học tại TH School được thiết kế đặc biệt để thúc đẩy kỹ năng cảm xúc và xã hội. Chương trình học tập toàn diện, quan tâm tới phát triển kĩ năng sống, thể thao, nghệ thuật.
Không chỉ có đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm và thấm nhuần triết lý hạnh phúc, nhà trường còn có Cố vấn trường học và Cố vấn định hướng nghề nghiệp, phối kết hợp cùng với giáo viên nhằm nâng cao sức khỏe tinh thần và hỗ trợ định hướng học sinh.
Ông Steve cho hay, Viện EDI – đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo giáo viên của TH School về triết lý hạnh phúc trong giáo dục- đã trang bị cho giáo viên TH School những công cụ và chiến lược cần thiết để xây dựng một môi trường học tập tích cực. Ví dụ như các buổi hội thảo chia sẻ về sức khỏe tinh thần, phương pháp giảng dạy thúc đẩy sự tham gia của học sinh và các kỹ thuật quản lý lớp học hỗ trợ.
Bằng cách cung cấp các tài liệu và định hướng phát triển nghề nghiệp, EDI giúp các giáo viên tại TH School thực hành triết lý hạnh phúc một cách hiệu quả, đảm bảo họ có thể tạo ra những lớp học mà học sinh cảm thấy được trân trọng, an toàn và hạnh phúc.
Được sáng lập bởi Anh hùng Lao động Thái Hương, trong gần 10 năm qua, Viện EDI đã khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nguồn nhân lực – đặc biệt là nhân lực trong ngành giáo dục – bằng những chương trình đào tạo, hội thảo và hội nghị chuyên ngành chuyên sâu, chia sẻ kiến thức và cập nhật các xu hướng giáo dục tiên tiến. Trong đó EDI tập trung vào lĩnh vực đào tạo giáo viên. EDI cam kết sát cánh cùng các trường học và giáo viên trên toàn quốc trong việc phát triển những chương trình giảng dạy sáng tạo và hiệu quả, kiến tạo những “tiết học hạnh phúc”.
Không chỉ dừng lại ở việc lan tỏa tri thức, Viện còn đặt mục tiêu lan tỏa niềm hạnh phúc trong học tập và giảng dạy, tạo điều kiện để cả thầy cô và học sinh đều tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong mỗi hành trình học hỏi.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/giam-doc-vien-nghien-cuu-giao-duc-va-phat-trien-nhan-luc-edi-th-school-la-mot-trong-nhung-don-vi-di-dau-trong-ap-dung-triet-ly-hanh-phuc-2024112816333047.htm