Đối với các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật, nhà trường chính là căn nhà thứ 2 của mình bởi ở nơi đó các em được giáo viên và cán bộ nhân viên ngành giáo dục chăm sóc chu đáo và được dạy chữ, dạy những kỹ năng sống có thể giúp trẻ tự tin đối với bản thân và tự tin khi hòa nhập cộng đồng.
Đối với các em học sinh khuyết tật, dẫu các em hạn chế trong giao tiếp, vận động, nhưng không ít em vẫn đều nhận thức được ngày Tết Trung thu bởi ở đó chúng sẽ được phát quà, ăn bánh kẹo và đặc biệt rất háo hức khi được nhảy múa cùng trống lân, chú Cuội, chị Hằng và rồi hớn hở khoe bịch bánh trung thu, chiếc lồng đèn sáng lấp lánh… trong đôi mắt vẫn ánh lên sự reo vui và nở nụ cười ngọt ngào, vòng tay yêu thương chia sẻ của mọi người.
Chỉ đến với những tổ ấm này, chúng ta mới cảm nhận được công việc của cán bộ giáo viên nơi đây. Họ dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, trong khi đó dạy các em là những đứa trẻ chậm phát triển, hầu như ít nhận thức về hành động, hiểu biết thế giới xung quanh… đòi hỏi người hướng dẫn không chỉ đóng vai trò truyền đạt kiến thức, mà còn cần sự cương nghị của người cha và trái tim nhân hậu của người mẹ, chịu thương chịu khó mới mong giúp các em hòa nhập với môi trường.
Mùa trung thu này, những đứa trẻ ở trung tâm Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Quảng Trạch và Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Tp. Đồng Hới (Quảng Bình) thật vui biết bao khi được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể và lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình. Họ đến, chia sẻ cùng với các cháu nụ cười và những mong muốn các cháu với các cháu đón tết Trung thu thật vui vẻ, đầm ấm, tràn đầy tình yêu thương.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Chúng ta cần làm tất cả những điều có thể để hỗ trợ các cán bộ, nhân viên các trung tâm này nhằm giúp họ làm tốt công tác xã hội, chăm lo cho các cháu bằng tình cảm, trách nhiệm và sự nhiệt huyết; chú trọng phục hồi chức năng, dạy chữ, kỹ năng sống giúp trẻ khuyết tật có điều kiện học tập và phục hồi thể chất, tinh thần, sớm hòa nhập với cộng đồng.
Chính quyền địa phương cũng cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cháu thiếu nhi, trong đó có trẻ khuyết tật được vui chơi, học tập, rèn luyện trong môi trường an toàn, lành mạnh. Các cán bộ, giáo viên cần nỗ lực xây dựng Trung tâm thành đơn vị kiểu mẫu trong nuôi dạy trẻ khuyết tật, góp phần chăm sóc, giáo dục các em trở thành những công dân có ích cho xã hội… ông Trần Thắng mong muốn.
Nguồn: https://toquoc.vn/tet-trung-thu-am-ap-tai-cac-co-so-giao-duc-khuyet-tat-20240917112551395.htm