(CLO) Tại kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức ngày 4/12/2024, UNESCO chính thức đưa “Lễ hội Xuân, các tập tục xã hội của người Trung Quốc chào mừng năm mới truyền thống” vào Danh sách Đại diện của Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Với sự kiện này, Trung Quốc hiện có 44 mục được UNESCO công nhận, tiếp tục dẫn đầu thế giới về số lượng Di sản văn hóa phi vật thể.
Lễ hội Xuân, hay Tết Nguyên đán, là một trong những lễ hội quan trọng nhất của Trung Quốc và được tổ chức rộng rãi trên khắp thế giới.
Việc lễ hội này được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đã khẳng định giá trị sâu sắc của nó, vừa mang đậm bản sắc văn hóa Trung Hoa, vừa truyền tải những thông điệp gắn kết nhân loại.
Lễ hội Xuân phản ánh khát vọng của nền văn minh Trung Hoa về hòa bình và hài hòa, mang theo những lời chúc tốt đẹp cho tương lai và đề cao các giá trị nhân văn như sự hòa nhập xã hội và mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Trọng tâm của lễ hội là gia đình, với tinh thần đoàn tụ, gắn kết giữa các thành viên. Tình cảm gia đình không chỉ dừng lại ở phạm vi nhỏ mà còn lan tỏa ra cộng đồng, quốc gia và thế giới. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, hàng triệu người Trung Quốc trên khắp đất nước lên đường về quê, tạo nên cuộc di cư lớn nhất hành tinh.
Lễ hội Xuân kéo dài 15 ngày, kết thúc bằng Lễ hội Đèn lồng. Trong suốt thời gian này, các gia đình tổ chức những bữa tiệc sum họp và tham gia vào nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.
Ẩm thực là nét nổi bật với những món ăn truyền thống như bánh bao, bánh gạo nếp, thịt viên chiên và cá kho. Những món ăn này là tinh hoa ẩm thực đồng thời mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, hạnh phúc.
Lễ hội Xuân còn kết hợp nhiều yếu tố văn hóa phi vật thể độc đáo, từ các câu chuyện dân gian đến phong tục truyền thống. Truyền thuyết về quái thú “nian”, xuất hiện vào thời điểm giao thừa và bị xua đuổi bằng pháo nổ cùng màu đỏ, đã trở thành biểu tượng văn hóa.
Ngày nay, người dân tiếp tục trang trí nhà cửa bằng đèn lồng đỏ, treo câu đối và đốt pháo hoa với hy vọng xua đuổi điều xấu và đón vận may.
Không chỉ ở Trung Quốc, Lễ hội Xuân đã lan tỏa sang nhiều quốc gia châu Á và các cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới. Các biểu tượng như múa rồng, cắt giấy nghệ thuật hay lễ hội đèn lồng tạo nên không khí rộn ràng, trở thành ngày hội đầy ý nghĩa.
Việc UNESCO công nhận Lễ hội Xuân không chỉ tôn vinh giá trị di sản văn hóa của Trung Quốc mà còn khẳng định sức mạnh của các giá trị nhân văn toàn cầu, góp phần thúc đẩy tình đoàn kết và hòa bình giữa các dân tộc.
Anh Thư (Theo Globaltimes)
Nguồn: https://www.congluan.vn/tet-nguyen-dan-trung-quoc-chinh-thuc-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cua-nhan-loai-post324199.html