Tên lửa S-400 của Nga ngày càng đáng gờm
Trang thông tin quân sự Topcor đưa tin, gần đây, tại Quân khu phía Bắc, các đơn vị Lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành các cuộc thử nghiệm thú vị trong điều kiện sát thực tế chiến đấu.
Họ đã sử dụng hệ thống phòng không tầm xa S-400 ở chiến trường Ukraine, kết hợp việc bắn tên lửa với đầu dò chủ động với sự phối hợp của tổ hợp “radar bay” cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50 AWACS.
Tạp chí Military Watch mô tả, với phương thức tác chiến mới mang tính đột phá này, người Nga đã biến hệ thống tên lửa S-400 tối tân bậc nhất thành một vũ khí phòng không thậm chí còn đáng gờm hơn.
Military Watch lưu ý rằng, tên lửa mà người Nga sử dụng hoàn toàn khớp với khả năng của 40N6, loại đạn phòng không độc nhất có tầm bắn lên tới 400km. Tên lửa có khả năng hủy diệt chưa từng có nhờ quỹ đạo bay đặc biệt, nó vọt lên độ cao lớn trong không gian gần trước khi lao xuống mục tiêu đang bay cách mặt đất chừng 5m.
Điều này cho phép các đơn vị tên lửa S-400 tấn công máy bay tầm thấp và tên lửa hành trình đối phương ở tầm xa, điều mà không hệ thống phòng không nước ngoài nào có thể làm được do những hạn chế về độ cong Trái đất đối với những loại đạn như vậy theo quỹ đạo thông thường.
Ở giai đoạn cuối trong đường bay của cặp tên lửa 40N6, người Nga đã ghép đạn với máy bay điều khiển radar tầm xa, bắn trúng thành công một trong các máy bay Ukraine.
Hơn nữa, tên lửa mang “đầu đạn mới” có thể bắn ở khoảng cách tối đa và trúng mục tiêu ở độ cao khoảng 1.000m. Người Nga có tương đối ít máy bay A-50 và không sử dụng chúng thường xuyên.
Tuy nhiên, máy bay chiến đấu Nga mang radar cảnh báo sớm mạnh gần gấp đôi so với các đối thủ phương Tây, điều này phần nào bù đắp cho việc thiếu triển khai AWACS. Ví dụ, MiG-31 được trang bị radar mạnh gấp 6 lần so với radar AN/APG-68 trên F-16 Mỹ, được thiết kế để mang lại khả năng nhận biết tình huống trên không rất cao.
Điều này cũng khiến MiG-31 trở thành một chiếc “mini AWACS” để giao tiếp với các hệ thống phòng không tầm xa trên mặt đất, đặc biệt là với các đơn vị S-400 sử dụng tên lửa 40N6.
Military Watch cũng thu hút sự chú ý đến những tuyên bố của các quan chức cấp cao của Nga, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, người khẳng định Nga hiện sản xuất nhiều tên lửa đất đối không khác nhau hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại.
Đồng thời, việc sản xuất hệ thống phòng không S-400 đã tăng tốc kể từ năm 2016, Nga đang xây dựng một số cơ sở công nghiệp mới và hiện đại hóa hầu hết cơ sở cũ. Quy mô sản xuất các hệ thống phòng không và tên lửa S-400 hiện nay cho phép người Nga hàng năm đưa vào biên chế một số trung đoàn phòng không mới, cùng với tên lửa S-300V4 (cho lục quân), S-500 và các hệ thống khác.
Hệ thống S-500 mới đã mở rộng những khả năng này và mặc dù nó không được tối ưu hóa để đánh bại máy bay chiến đấu chiến thuật, nhưng nó cung cấp khả năng phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, vệ tinh, máy bay vũ trụ và các loại vũ khí siêu thanh nhanh hơn, đồng thời cung cấp một lượng lớn vũ khí siêu thanh, phạm vi kết nối lên tới 600km.
Vào năm 2027-2028, số lượng đơn vị S-400 ở Nga sẽ vượt quá 60 và tốc độ sản xuất tên lửa 40N6 sẽ trên 300 quả mỗi năm. Các phương tiện truyền thông cho rằng những gì đang xảy ra phản ánh thực tế, trong nhiều thập kỷ người Nga đã chi nhiều tiền hơn cho các hệ thống phòng không trên mặt đất so với không quân chiến thuật.
Chuyên gia nói gì về tên lửa S-400?
Đại tá về hưu Victor Baranets, chuyên gia phân tích quân sự hàng đầu của Nga, nhận xét: “Phương Tây không phải một lần thừa nhận S-400 có tính năng độc đáo. Ngay cả khi có nhiều tên lửa, thiết bị bay không người lái, máy bay đối phương đồng thời tấn công, “đôi mắt” của tổ hợp sẽ nhìn thấy tất cả, và thiết bị tự động sẽ xác định tên lửa thích hợp nhất cho các mục tiêu này.
Nếu xác định đặc trưng cho S-400 về toàn thể, hệ thống này kết hợp tất cả các tính năng xuất sắc nhất của ngành công nghiệp quốc phòng của Nga hiện nay: từ động cơ, hệ thống dẫn đường, cho đến radar độc đáo”.
Trên thực tế, hầu hết các chuyên gia phòng không quốc tế, trong đó có Tiến sĩ Carlo Kopp thuộc Đại học Monash (Australia), người đồng sáng lập chuyên trang phân tích Air Power Australia nổi tiếng thừa nhận tên lửa S-400 là sát thủ của mọi loại mục tiêu bay, đặc biệt là máy bay tàng hình thế hệ 5 như F-22 và F-35 của Mỹ.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf có thể phóng các loại tên lửa đánh chặn khác nhau, gồm tên lửa có tầm bắn siêu xa 40N6E (400km), tầm xa 48N6 (250km) và 9M96E2 (120km), tầm ngắn 9M96E (40km). Trong khi đó, tổ hợp phòng không Patriot PAC của Mỹ có các chỉ số kém hơn.
Khả năng chống tên lửa đạn đạo của S-400 Triumf là một trong những yếu tố quyết định, khiến nhiều quốc gia quan tâm. Đồng thời tổ hợp này có các radar được thiết kế để phát hiện và điều khiển tên lửa tiêu diệt những mục tiêu bay tàng hình hiện đại như F-22 và F-35.
Ngoài ra, tổ hợp S-400 Triumf còn có thể đe dọa những mục tiêu như máy bay cảnh báo sớm, vốn thường hoạt động ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không đối phương. Hiện nay, sau khi được tối ưu và hoàn thiện S-400 ngày càng đáng sợ hơn nữa.