Đây là một cột mốc quan trọng trong sứ mệnh khởi nghiệp của công ty tên lửa tư nhân Trung Quốc này nhằm kiểm tra xem phương tiện sử dụng khí mê-tan và oxy lỏng của họ đã sẵn sàng cho việc phóng thương mại hay chưa.
Thành công này có thể thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư vào khí mê-tan như một loại nhiên liệu tên lửa tiềm năng, được coi là có thể giúp cắt giảm chi phí và hỗ trợ tên lửa tái sử dụng theo cách sạch hơn và hiệu quả hơn.
Một số công ty khởi nghiệp tên lửa tư nhân khác của Trung Quốc đã chờ đợi để thử nghiệm hoặc phóng thương mại, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong ngành công nghiệp vũ trụ thương mại của Trung Quốc, cũng như để cạnh tranh với hệ thống vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk.
Zhuque-2 Y-3 được phóng hôm thứ Sáu từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở khu vực Nội Mông của Trung Quốc, là tên lửa Zhuque-2 thứ ba được phóng thử nghiệm của LandSpace và là tên lửa đầu tiên thành công trong việc mang theo vệ tinh.
Nỗ lực phóng trước đó vào tháng 7 nhưng không mang theo vệ tinh đã đưa LandSpace trở thành công ty đầu tiên trên thế giới phóng tên lửa oxy chứa khí mê-tan lỏng, vượt qua các đối thủ của Mỹ bao gồm SpaceX của Musk và Blue Origin của Jeff Bezos.
LandSpace cho biết trong một tuyên bố rằng hai vụ phóng cho thấy Zhuque-2 đủ tin cậy cho các vụ phóng thương mại. Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này cho biết Zhuque-2 có khả năng đưa tải trọng tổng cộng 1,5 tấn lên quỹ đạo 500 km và họ dự kiến sẽ tăng lên 4 tấn ở các phiên bản nâng cấp.
Công ty khởi nghiệp OrienSpace của Trung Quốc cho biết họ đã lên kế hoạch phóng lần đầu tiên tên lửa nhiên liệu rắn Gravity-1 vào tháng 12 tới. Deep Blue Aerospace, công ty đang phát triển tên lửa chạy bằng nhiên liệu dầu hỏa có thể tái sử dụng, đặt mục tiêu phóng thử nghiệm tên lửa Nebula-1 lên quỹ đạo và thu hồi nó.
Trong khi đó, Galactic Energy hôm thứ Ba đã phóng tên lửa đẩy nhiên liệu rắn Ceres-1 cùng với hai vệ tinh lên quỹ đạo, sau thất bại vào tháng 9 và một loạt vụ phóng thành công trước đó.
Mai Anh (theo Reuters)