Cùng với 5 bộ ngành và 4 cơ quan thực hiện phương án hợp nhất, các bộ ngành còn lại sẽ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo yêu cầu của Chính phủ.
Đó là kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ vừa được Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình ký, yêu cầu phải hoàn thiện các báo cáo để trình Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 31-12-2024.
Các bộ ngành chủ động rà soát, xây dựng đề án phương án hợp nhất, sắp xếp
Theo định hướng, Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ) và 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan). Các tổ chức trực thuộc cũng thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối, giảm mạnh đơn vị từ 15-20% đầu mối tổ chức.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan thành lập ban chỉ đạo do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan đứng đầu để chỉ đạo tổng kết việc thực hiện; các bộ có phương án hợp nhất sẽ lập ban chỉ đạo chung.
Trong đó với các cơ quan được sắp xếp, hợp nhất, điều chuyển chức năng nhiệm vụ hoặc kết thúc hoạt động, các bộ, ngành, cơ quan chủ động phối hợp xây dựng đề án, phương án cụ thể, đề xuất sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế theo yêu cầu tinh gọn.
Các bộ ngành còn lại khi thực hiện sắp xếp, tổ chức bên trong có phương án kiện toàn, đổi mới sắp xếp tổ chức lại các tổng cục, vụ, đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Các tổ chức phối hợp liên ngành chủ động rà soát, đề xuất kiện toàn để tổ chức lại.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ đề xuất các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (hoàn thành trước ngày 10-12).
Việc xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công cũng được giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ với thời hạn trước ngày 10-12.
Các dự án đầu tư công giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xử lý.
Về nhiệm vụ cụ thể để thực hiện, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng vừa thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong; xây dựng đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ sau khi tiếp nhận Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bộ Công an thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương.
Các bộ ngành không thuộc diện hợp nhất, tinh giảm gồm Bộ Tư pháp; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ được yêu cầu chủ động xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại.
Diện mạo mới của các bộ ngành sau hợp nhất sẽ ra sao?
Đối với hai bộ được yêu cầu hợp nhất là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tên gọi mới là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển), cả hai bộ phải thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại và giảm mạnh tổ chức bên trong.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; xây dựng đề án sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sau khi hai bộ hợp nhất.
Chủ động nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Đảng bộ của một số tập đoàn lớn theo hướng là đầu mối tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.
Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải xây dựng đề án hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng; sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi hợp nhất với tên gọi mới là Bộ Hạ tầng và Đô thị.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án hợp nhất hai bộ trên cơ sở sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi hợp nhất với tên gọi mới là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án hợp nhất hai bộ trên cơ sở sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong, với tên gọi mới là Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy. Trong đó, lĩnh vực lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới sẽ được chuyển về Bộ Nội vụ.
Đối với chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội sẽ được chuyển về Bộ Y tế.
Với lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sẽ chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở cơ cấu lại, thu gọn đầu mối và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Với chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo sẽ chuyển về Ủy ban Dân tộc – Tôn giáo.
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để hợp nhất một số chức năng nhiệm vụ, với tên gọi mới là Bộ Nội vụ và Lao động.
Bộ này cũng phối hợp Ủy ban Dân tộc xây dựng đề án chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.
Cùng đó, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nhiều đơn vị chấm dứt hoạt động, điều chuyển chức năng nhiệm vụ
Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hai Đại học Quốc gia (Hà Nội và TP.HCM) xây dựng đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ các đơn vị này để kiện toàn.
Đồng thời xây dựng phương án tiếp nhận và sắp xếp, cơ cấu lại, thu gọn đầu mối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển sang), bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Bộ Y tế được giao chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương sau khi ban này kết thúc hoạt động.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp để tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội sau khi kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Đối với hai viện gồm Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hiện đang có hai phương án là hợp nhất hoặc kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp và cơ cấu lại, giảm mạnh tổ chức bên trong.
Với hai Đại học Quốc gia (Hà Nội và TP.HCM) đề xuất phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại học quốc gia, sau khi chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng đề án chỉ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC. Đồng thời cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong của Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC và cơ cấu lại, giảm mạnh tổ chức bên trong; tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia.
Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên cho các hoạt động.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án kết thúc hoạt động để chuyển về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sẽ giải thể để bộ quản lý chuyên ngành thực hiện giám sát.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ten-goi-chuc-nang-nhiem-vu-du-kien-cua-cac-bo-nganh-sau-tinh-gon-20241206075538364.htm