ANTD.VN – Luật sư Nguyễn Thanh Hà- Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Temu phải đăng ký hoạt động ở Việt Nam nếu muốn mở rộng kinh doanh.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trao đổi với phóng viên ANTĐ về hoạt động của Temu tại Việt Nam |
– Nền tảng TMĐT Temu (Trung Quốc) chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng người dùng Việt Nam vẫn có thể tải app (ứng dụng) trên điện thoại (có tiếng Việt) hoặc qua website (chưa có tiếng Việt) để mua hàng. Như vậy Temu có vi phạm pháp luật Việt Nam không, thưa ông, hay phải đợi đến khi đăng ký hoạt động tại Việt Nam (có website tiếng Việt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, hải quan…) mới được bán hàng vào Việt Nam?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo Điều 67a Nghị định 52/2013/NĐ-CP (bổ sung tại khoản 24 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP) quy định về các hình thức hoạt động và trách nhiệm của thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam như sau:
Thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau:
Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam; Website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; Website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.
Thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 67a Nghị định 52/2013/NĐ-CP (bổ sung tại khoản 24 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP) thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.
Như vậy, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) – tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo – chưa công bố chính thức vào Việt Nam. Nhưng từ cuối tháng 9, người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.
Trường hợp Temu thuộc trường hợp quy định tại Điều 67a Nghị định 52/2013/NĐ-CP (bổ sung tại khoản 24 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP), Temu sẽ phải tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
– Trước Temu thì Taobao, 1688… cũng hoạt động tương tự, vậy theo ông nên làm thế nào để kiểm soát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo cạnh tranh với doanh nghiệp được phép hoạt động trong nước như chính sách về khuyến mại (so với Shopee, Lazada, Tiki…)?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài như Temu, Taobao, 1688 hoạt động tại Việt Nam mà không đăng ký có thể tạo ra nhiều thách thức về kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm và sự cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp trong nước như: Shopee, Lazada, và Tiki.
Để giải quyết các vấn đề này, chúng ta có thể áp dụng một vài biện pháp sau:
Thứ nhất, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa. Nhà nước cần phải yêu cầu đăng ký và chứng nhận sản phẩm đối với các sản phẩm trên sàn TMĐT. Các nền tảng TMĐT nước ngoài cần phải đăng ký hoạt động và tuân thủ các quy định về chất lượng hàng hóa, bao gồm việc cung cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm.
Chính phủ có thể yêu cầu các doanh nghiệp này phải nộp hồ sơ chứng minh rằng hàng hóa của họ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn theo quy định Việt Nam.
Đồng thời, các cơ quan chức năng nên tăng cường kiểm tra và giám sát các đơn vị cung cấp hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm được giao dịch qua các nền tảng TMĐT. Việc này có thể bao gồm kiểm tra định kỳ và đột xuất các lô hàng nhập khẩu. Nếu phát hiện hàng hóa kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc như phạt tiền, đình chỉ hoạt động hoặc cấm nhập khẩu.
Thứ hai, để đảm bảo cạnh tranh công bằng thì các nền tảng TMĐT nước ngoài phải tuân thủ các quy định về khuyến mại giống như các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, khi có những chương trình hay chính sách khuyến mại cần phải cung cấp thông tin rõ ràng về sản phẩm, giá cả. Điều này giúp người tiêu dùng có thể so sánh và lựa chọn sản phẩm một cách công bằng.
Chính phủ có thể khuyến khích các nền tảng TMĐT trong nước và nước ngoài hợp tác để đảm bảo chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập các diễn đàn để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và quy trình quản lý chất lượng.
Cuối cùng, cần tăng cường giáo dục và nhận thức của người tiêu dùng. Việc xây dựng các chính sách quản lý chặt chẽ sẽ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh công bằng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử.
– Temu phối hợp với 2 đơn vị vận chuyển của Việt Nam là Ninja và Best Express đẻ giao hàng miễn phí thời gian đầu thì 2 đơn vị vận chuyển này có trách nhiệm như thế nào với người dùng VN, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Khi Temu phối hợp với các đơn vị vận chuyển như Ninja và Best Express để cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí cho người dùng Việt Nam, trách nhiệm của các đơn vị vận chuyển này sẽ rất quan trọng trong việc đảm bảo trải nghiệm mua sắm tích cực cho người tiêu dùng.
Ninja và Best Express phải đảm bảo chất lượng dịch vụ vận chuyển cần phải có hệ thống quản lý vận chuyển hiệu quả để đảm bảo rằng hàng hóa được giao đúng hẹn, theo thời gian đã cam kết với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần có quy trình rõ ràng trong việc xử lý và đóng gói hàng hóa để đảm bảo rằng chúng không bị hư hại trong quá trình vận chuyển.
Thứ hai, hỗ trợ khách hàng: Ninja và Best Express cần thiết lập các kênh hỗ trợ khách hàng như tổng đài, chat trực tuyến hoặc email, để người tiêu dùng có thể dễ dàng liên hệ khi gặp vấn đề trong quá trình giao hàng.
Thứ ba, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng: Ninja và Best Express cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là họ phải cung cấp sản phẩm và dịch vụ theo tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo rằng khách hàng có quyền được bồi thường nếu hàng hóa không đạt yêu cầu.
Các đơn vị này cần cam kết bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong quá trình giao dịch và vận chuyển. Việc thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin cá nhân cần tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Như vậy, trong bối cảnh Temu hợp tác với Ninja và Best Express để cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí, trách nhiệm của các đơn vị vận chuyển này đối với người tiêu dùng là rất lớn.
Họ không chỉ phải đảm bảo giao hàng đúng hẹn và chất lượng mà còn cần minh bạch thông tin, hỗ trợ khách hàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng uy tín thương hiệu.
Việc thực hiện tốt các trách nhiệm này sẽ không chỉ giúp người tiêu dùng có trải nghiệm mua sắm tích cực mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của cả Temu và các đơn vị vận chuyển tại thị trường Việt Nam.
– Hiện nay thì một số nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới cũng hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa có văn phòng đại diện nên mỗi khi có vi phạm thì cơ quan quản lý chỉ “khuyến cáo, đề nghị…”, trường hợp Temu, Taobao, 1688 có phải cũng tương tự nếu họ không đăng ký hoạt động theo quy định?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, các nền tảng xuyên biên giới muốn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cần đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương và tuân thủ các quy định về bảo vệ người tiêu dùng, quản lý nội dung và nghĩa vụ thuế.
Tuy nhiên, nếu không đăng ký, họ sẽ không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam về các biện pháp chế tài như phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động. Thay vào đó, các cơ quan chức năng chỉ có thể sử dụng các biện pháp gián tiếp như gây áp lực qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước để hạn chế băng thông hoặc tạm ngưng truy cập.
Do đó, nếu các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Taobao, và 1688 không tuân thủ đăng ký hoạt động tại Việt Nam, các biện pháp quản lý cũng sẽ chỉ giới hạn ở mức độ “khuyến cáo, đề nghị”, thay vì các biện pháp xử phạt trực tiếp.
– Theo ông thì trong những vụ việc như thế này, trách nhiệm của Bộ Công Thương ra sao?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Để đảm bảo hoạt động TMĐT diễn ra một cách minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trước tiên, Bộ Công Thương cần phối hợp với các cơ quan liên quan để ban hành các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Điều này bao gồm việc quy định rõ ràng về các yêu cầu tối thiểu mà các nền tảng TMĐT nước ngoài phải đáp ứng trước khi hoạt động tại Việt Nam.
Thứ hai, cần xây dựng một hệ thống giám sát hiệu quả để theo dõi hoạt động của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới. Hệ thống này có thể bao gồm các chỉ số đánh giá hiệu suất, lượng hàng hóa nhập khẩu và mức độ hài lòng của người tiêu dùng.
Bộ Công Thương nên thực hiện các nghiên cứu định kỳ để đánh giá tác động của các nền tảng TMĐT nước ngoài đến thị trường trong nước, bao gồm cả ảnh hưởng đến doanh nghiệp nội địa và người tiêu dùng; Thiết lập quy trình kiểm tra chất lượng và nguồn gốc hàng hóa trước khi chúng được đưa vào thị trường Việt Nam.
Điều này có thể bao gồm việc yêu cầu các nền tảng TMĐT phải cung cấp chứng nhận về chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Bộ nên thành lập các đội ngũ kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các cửa khẩu và trung tâm phân phối để đảm bảo rằng hàng hóa nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.
Thứ ba, Bộ Công Thương nên thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các cơ quan chức năng của các quốc gia khác để quản lý hiệu quả hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần xây dựng cơ chế phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động TMĐT xuyên biên giới, chẳng hạn như các khiếu nại của người tiêu dùng về hàng hóa không đạt yêu cầu hoặc không rõ nguồn gốc.
Cần có đội ngũ chuyên trách để theo dõi, phân tích và xử lý các tình huống khẩn cấp trong lĩnh vực TMĐT, đảm bảo rằng các vấn đề được giải quyết một cách hiệu quả và kịp thời.
Bộ Công Thương có trách nhiệm rất lớn trong việc quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam, như trường hợp của Temu. Việc thiết lập khung pháp lý rõ ràng, giám sát chặt chẽ hoạt động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hợp tác quốc tế, và giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh sẽ tạo ra một môi trường TMĐT lành mạnh và bền vững.
Sự chủ động và hiệu quả trong các hoạt động này không chỉ bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa phát triển và cạnh tranh công bằng trong môi trường thương mại điện tử hiện đại.
Đối với sàn Temu đang bán hàng tại Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: “Bộ Công Thương đang triển khai đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT. Bộ cũng đã giao Tổng cục QLTT theo dõi sát đến vấn đề này”. Đồng thời, giao Cục TMĐT&KTS rà soát, đánh giá tác động.
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/temu-ban-hang-vao-viet-nam-khong-phep-trach-nhiem-co-quan-quan-ly-the-nao-post593643.antd