Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa thông tin tiếp nhận, điều trị cho người bệnh N.V.T. bị biến dạng khớp ở bàn tay, bàn chân do bệnh gout.
Theo chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh gout. Do là lái xe đường dài nên thường đi nhiều, ăn uống và dùng thuốc không điều độ cộng với việc chủ quan không đi khám định kỳ nên bệnh ngày càng nặng.
“Lúc đầu các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân, bàn chân, khớp ngón tay, khuỷu tay đau nhức, tôi cũng có dùng thuốc nhưng không đỡ. Khi thấy các khớp xuất hiện các khối u phát triển ngày càng to khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt như cầm nắm và đi lại nên tôi mới đi bệnh viện điều trị.”, anh T. cho biết.
TS Vi Trường Sơn, trưởng khoa ngoại yêu cầu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, gout là bệnh lý khá phổ biến hiện nay và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh do rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout: Ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm (hải sản, nội tạng động vật, trứng…);
Sử dụng chất kích thích, uống rượu bia thường xuyên; Thừa cân, mắc bệnh béo phì; Mắc bệnh lý về thận, tim mạch; Trong gia đình có người có tiền sử mắc bệnh gout.
Chủ quan dễ biến chứng nghiêm trọng
Theo bác sĩ Sơn, bệnh gout khi được phát hiện mà không có chế độ điều trị, ăn uống hợp lý, quá trình tiến triển lâu ngày có thể gây ra các biến chứng như: Viêm khớp, biến dạng khớp do lắng đọng các tinh thể urat tạo thành các khối ở vị trí các khớp bàn ngón chân, bàn ngón tay…
Từ đó ảnh hưởng đến chức năng vận động các khớp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí nhiều trường hợp vỡ, nhiễm trùng, xương khớp bị phá hủy, viêm xương phải cắt cụt chi, nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm tính mạng.
Trường hợp anh T. phát hiện bệnh trên 10 năm nhưng không đi khám và điều trị thường xuyên, cũng như không điều chỉnh chế độ ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên đã để lại hậu quả tứ chi bị biến dạng như trên.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần đi khám sức khoẻ định kỳ để tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn; khi phát hiện có bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị cũng như các hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, tập luyện và tái khám định kỳ.
Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh gout
Theo hướng dẫn của Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, người mắc bệnh gout nên ăn các thực phẩm chứa dưới 50% purin như thịt lợn nạc, lườn gà, trứng, sữa ít béo chỉ nên chiếm 10% protein tổng giá trị bữa ăn.
Hạn chế ăn thịt, tôm, cá: Đối với người cân nặng dưới 50kg được ăn 100g; Đối với người ≥ 60kg ăn không quá 150g.
Tăng cường các loại thực phẩm thảo dược có chức năng đào thải axit uric trong máu ra ngoài như cherry, dâu tây, cải bẹ xanh, cam, lá sake.
Các thực phẩm chất béo nên sử dụng ở người mắc bệnh gout là: Dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng. Hạn chế hoặc tránh sử dụng dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương, các thực phẩm chiên rán, nhiều mỡ động vật.
Tinh bột và thực phẩm giàu carbohydrate là loại thực phẩm quan trọng đối với người bệnh gout, bởi nó chứa một lượng purine an toàn. Chúng có chức năng làm giảm và hòa tan acid uric trong nước tiểu. Vì vậy, tinh bột thường được khuyến cáo sử dụng là: mì, phở, bún, khoai, bánh mì, ngũ cốc, gạo…
Khi chế biến nên ưu tiên các món hấp, luộc, hạn chế tối đa các món ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ.
Uống nhiều nước để tăng cường đào thải acid uric, nên uống nước khoáng kiềm. Cần đảm bảo lượng nước uống trong ngày 40ml/kg cân nặng/ ngày. Bổ sung thêm 500 – 1000mg vitamin C hàng ngày.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tay-chan-nguoi-dan-ong-bi-bien-dang-khop-ky-quai-vi-can-benh-nay-20240913170700229.htm