Nếu thành công, nhân loại sẽ có chuyến phiêu lưu đầu tiên bên trong lớp vỏ Trái đất, mở ra những khám phá mới và có khả năng đạt được những thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học Trái đất.
Con tàu khổng lồ này được phát triển bởi Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc cùng với hơn 150 viện nghiên cứu và công ty. Với chiều dài 179 mét và rộng 32,8 mét, tàu có thể chở khoảng 33.000 tấn hàng hóa. Theo Tân Hoa Xã, tàu có thể di chuyển 15.000 hải lý (27.800 km) và hoạt động trong 120 ngày mỗi lần ghé cảng.
Tàu Mengxiang được thiết kế với cấu trúc và sự ổn định đủ để chống chọi với những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất, cho phép tàu hoạt động ở bất kỳ vùng biển nào trên toàn cầu. Sức mạnh khoan của tàu cũng tốt nhất trong phân khúc, với khả năng đạt tới độ sâu 11.000 mét dưới mặt biển.
Cấu trúc của Trái đất bao gồm lớp vỏ, lớp phủ giữa và lớp lõi. Hoạt động của con người và khám phá khoa học đã bị giới hạn ở lớp bề mặt lớp vỏ. Lớp vỏ có độ dày trung bình 15 km – rất nhỏ so với bán kính Trái đất là 6.371 km. Mengxiang được thiết kế để xuyên qua lớp vỏ Trái đất và tiếp cận lớp phủ giữa từ mặt biển, mở ra cánh cửa chưa từng được biết đến trước đây cho nghiên cứu khoa học.
Ranh giới giữa lớp phủ và lớp vỏ được gọi là điểm gián đoạn Mohorovičić, hay còn được gọi là Moho. Đây là rào cản cuối cùng đối với con người trong việc khám phá lớp phủ. Moho nằm ở độ sâu khoảng 7.000 mét dưới đáy đại dương và khoảng 40.000 mét dưới đất khô.
Từ đầu những năm 1960, các nhà khoa học Mỹ đã cố gắng xuyên qua Moho để tiếp cận lớp phủ nhưng chưa thể đạt được mục tiêu này. Trong khi Moho vẫn chưa bị xâm phạm, công nghệ khoan sâu dưới đại dương đã cung cấp nhiều hiểu biết mới về cấu trúc của Trái đất.
Ông Li Chun-feng, nhà địa chất biển tại Khoa Khoa học Hàng hải tại Đại học Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, cho biết: “Các mẫu đá từ các lỗ khoan cực sâu đã trở nên quan trọng trong việc tìm hiểu kiến tạo mảng, sự tiến hóa của vỏ đại dương, khí hậu đại dương cổ đại và tài nguyên đáy biển”.
Ví dụ, việc thăm dò đáy biển Địa Trung Hải đã tiết lộ những lớp muối rộng lớn, cho thấy vùng biển này từng là một cánh đồng muối khô cách đây 6 triệu năm. Việc khoan ở Bắc Băng Dương đã phát hiện ra quá khứ của nó là một hồ nước ngọt ấm áp được bèo tấm bao phủ cách đây 50 triệu năm.
Bí ẩn về những gì nằm sâu dưới bề mặt Trái đất, vượt ra ngoài “cánh cửa địa ngục” từ lâu đã thu hút trí tưởng tượng của công chúng và được phản ánh trong cá bộ phim khoa học viễn tưởng. Ông Li cho biết rất có khả năng sự sống có thể tồn tại bên trong lớp phủ, trích dẫn ngày càng nhiều khám phá về các sinh vật có thể chịu được nhiệt độ và áp suất khắc nghiệt, cho thấy chúng có thể tồn tại ở độ sâu lớp phủ.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học còn tỏ ra hoài nghi và cho rằng khó có thể tồn tại những sinh vật khoa học viễn tưởng kích cỡ lớn ở trong lớp phủ.
Theo Tân Hoa Xã, cuộc thử nghiệm gần đây của tàu Mengxiang chủ yếu để kiểm tra hệ thống đẩy vốn được cung cấp bởi một nhà máy điện 30 MW thế hệ mới. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về hệ thống khoan lõi vẫn còn hạn chế. Nhiệm vụ đạt tới độ sâu 11.000 mét dưới mặt nước vẫn còn rất khó khăn.
Bất chấp những thách thức lớn trong quá trình thực hiện, ông Li vẫn đặt kỳ vọng cao vào Mengxiang. Ông cho biết khả năng của con tàu này tiên tiến và vượt xa khả năng của các tàu cùng loại như tàu nghiên cứu JOIDES của Mỹ và tàu khoan khoa học Chikyu của Nhật Bản.
Ngọc Ánh (theo SCMP)