Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, ưu tiên cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em – những mầm xanh tương lai của đất nước; nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của gia đình, xã hội, nhà trường và các bộ, ngành trong việc chăm lo cho trẻ em.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. (Nguồn: UNICEF) |
Với những cam kết chính trị và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của trẻ em Việt Nam trên mọi miền của đất nước không ngừng được bảo đảm. Ngày càng có nhiều trẻ em được bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập và được ưu tiên trong các chính sách phúc lợi.
Quan tâm và ưu tiên
Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2022, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell đã đưa ra đánh giá rằng: “Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn trong việc đảm bảo trẻ em trên toàn quốc được khỏe mạnh, an toàn, được giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy hết tiềm năng của mình”.
Đúng như vậy! Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, ưu tiên cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em – những “mầm xanh” tương lai của đất nước; đồng thời nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của gia đình, xã hội, nhà trường và các bộ, ngành trong việc chăm lo cho trẻ em.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai nhiều chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình công tác bảo vệ giáo dục trẻ em nhằm đảm bảo thực hiện các quyền giúp trẻ em phát triển toàn diện, hướng tới cuộc sống an toàn, lành mạnh thân thiện cho các cháu”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tại Chương trình khai mạc hè, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 vào ngày 28/5 tại TP. Hồ Chí Minh.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đang được bổ sung, hoàn thiện toàn diện về quan điểm, chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó đặc biệt quan tâm đến trẻ em và phụ nữ trong tình hình mới.
Hiện nay, Việt Nam có ba chương trình mục tiêu quốc gia, với trọng tâm toàn diện là giáo dục, y tế, các vấn đề xã hội, chăm lo cho những đối tượng yếu thế, bao gồm trẻ em và phụ nữ.
Giáo dục trẻ em được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng đầu tư. Nỗ lực này được thể hiện qua hệ thống giáo dục, các chính sách về kiên cố hóa và đầu tư cho trường học theo tiêu chuẩn được triển khai trên khắp cả nước, đặc biệt khu vực miền núi, khó khăn, nhằm mục tiêu cao nhất phổ cập giáo dục cho mọi người dân. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là bảo đảm các điều kiện thực hiện, tiêu chí đánh giá những tiến bộ đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ và đảm bảo quyền trẻ em như chế độ dinh dưỡng, tiêu chuẩn chiều cao, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh… nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Bà Lesley Miller – Phó Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF): “Năm 2022 lại là một năm khó khăn do đại dịch Covid-19. Việt Nam phải ứng phó với đợt bùng phát của dịch vào những tháng đầu năm, sau đó lại chật vật để phục hồi hậu Covid-19. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nỗ lực và đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác trẻ em”. |
Thực hiện lời hứa
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc (LHQ) về Quyền trẻ em (CRC) vào năm 1990. Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước cơ bản của LHQ về quyền con người với nhiều nội dung liên quan đến chăm sóc và bảo vệ trẻ em như Công ước số 138 và Công ước số 182 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Với trách nhiệm là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam luôn tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Công ước CRC năm 1989 giống như lời hứa rằng, các nước thành viên sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để đảm bảo mọi trẻ em được thụ hưởng tối đa quyền trẻ em. Hơn 30 năm trôi qua, Việt Nam đạt được rất nhiều tiến bộ quan trọng trong việc thực hiện CRC như: Đã giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi; tăng tỷ lệ tiêm chủng, cải thiện chăm sóc sức khỏe; tăng tỷ lệ trẻ em đi học; hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và xâm hại…
Đặc biệt vừa qua, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 91 của Ủy ban CRC tháng 9/2022 tại Geneva, Thụy Sỹ, đoàn Việt Nam đã có đối thoại với Ủy ban CRC về tình hình thực hiện CRC tại Việt Nam. Phiên đối thoại này được thực hiện trên cơ sở Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ năm và thứ sáu về tình hình thực hiện CRC tại Việt Nam lên Ủy ban CRC và Báo cáo trả lời danh sách các câu hỏi của Ủy ban CRC đối với Việt Nam.
Các thành viên Ủy ban CRC đều hoan nghênh thành tựu của Việt Nam, thể hiện qua quá trình xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách cũng như các biện pháp thực hiện của Việt Nam trong lĩnh vực quyền trẻ em.
Có thể khẳng định, từ quá trình tham vấn và xây dựng báo cáo quốc gia, đối thoại với Ủy ban CRC, xem xét, chấp thuận và triển khai các khuyến nghị thông qua Chương trình hành động của Chính phủ, Việt Nam đã thể hiện là một nước thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện Công ước CRC, góp phần triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước.
Việt Nam luôn tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. (Nguồn: UNICEF) |
Khắc phục khó khăn
Mặc dù đạt được những thành tựu không thể phủ nhận nhưng việc đảm bảo quyền trẻ em ở Việt Nam vẫn có những khó khăn, thách thức.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội từng chia sẻ với báo chí những khó khăn này. Theo đó, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế thế giới, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế, đời sống nhân dân và việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em cũng như bảo đảm quyền của trẻ em ở Việt Nam. Quá trình đô thị hóa và di cư ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em. Trẻ em thiếu sự chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ; khó tiếp cận dịch vụ cơ bản có chất lượng; thiếu hạ tầng dịch vụ giáo dục, y tế, vui chơi giải trí…
Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao so với chuẩn quốc tế; một số vùng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao trong khi đó khu vực đô thị đối mặt với tình trạng béo phì trẻ em gia tăng. Tình trạng tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em gia tăng do thiếu giám sát của gia đình… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển Internet, mạng xã hội làm gia tăng các nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc, thiếu chuẩn mực; bị bạo lực, xâm hại trên và thông qua môi trường mạng đối với trẻ em.
Trong chuyến thăm Việt Nam, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cũng đã chỉ ra một thực trạng khó khăn ở Việt Nam, đó là còn một bộ phận trẻ em phải đối mặt với tình trạng đói nghèo và không được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ cũng như các dịch vụ cơ bản như nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có cha mẹ đi làm xa nhà và trẻ em khuyết tật.
Việt Nam đã thể hiện là một nước thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện Công ước quyền trẻ em, coi đó là công tác quan trọng trong việc triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước. |
Theo Giám đốc điều hành UNICEF, tổ chức này đang vận động đưa điều trị suy dinh dưỡng nặng và suy dinh dưỡng mãn tính vào Chương trình bảo hiểm y tế quốc gia của Việt Nam và tăng cường trợ cấp trợ xã hội để ngăn ngừa suy dinh dưỡng trong trẻ em.
“Công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em vẫn còn khó khăn thách thức vẫn còn có trẻ em bị bạo hành, tai nạn, bị bệnh hiểm nghèo mà y học vẫn chưa có thể mang lại hạnh phúc và niềm vui cho các cháu. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta vẫn còn phải khắc phục những hạn chế thiếu sót để ươm mầm xanh tương lai cho đất nước”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định tại chương trình khai mạc hè vừa qua.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” – Trẻ em là hạnh phúc mỗi gia đình, là chủ nhân tương lai của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Bác Hồ luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng tình thương yêu và quan tâm đặc biệt. Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện cam kết làm tất cả trong khả năng của mình để đảm bảo mọi trẻ em được thụ hưởng tối đa quyền của chính mình.