Tasco (HUT) doanh thu quý 2 tăng 43% nhưng lợi nhuận bán niên vẫn sụt giảm 90%
Theo báo cáo tài chính quý 2 năm 2023, “ông trùm” BOT – Tasco (HUT) ghi nhận doanh thu thuần 315 tỷ đồng, tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ các hoạt động thu phí BOT và dịch vụ thu phí không dừng.
Giá vốn hàng bán chiếm 193 tỷ đồng, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 122 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 48,4% xuống chỉ còn 38,7%.
Doanh thu hoạt động tài chính của Tasco tăng nhẹ từ 29,4 tỷ lên 34 tỷ đồng. Chi phí tài chính với cơ cấu phần lớn là chi phí lãi vay cũng đã tăng từ 78,7 tỷ lên 81,8 tỷ đồng.
Trong kỳ, cả chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp đều gia tăng theo quy mô của doanh thu. Trong đó chi phí bán hàng chiếm 4,5 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm 50,1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý 2 của Tasco đạt 9,8 tỷ đồng, giảm 29,5% so với cùng kỳ.
Tính tới hết quý 2, tổng doanh thu luỹ kế của Tasco đạt 610 tỷ đồng, tăng 32,7% so với nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn cùng các chi phí quản lý tăng cao đã khiến lãi sau thuế luỹ kế của Tasco chỉ còn 10,7 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ.
Nợ vay áp đảo vốn chủ sở hữu, hơn 360,5 tỷ trái phiếu “bốc hơi” khỏi BCTC 6 tháng đầu năm dù chưa xác định lãi lỗ
Cơ cấu tài sản của Tasco ghi nhận tổng tài sản ở mức 11.664,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 1.044,2 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Tuy lượng tiền mặt gia tăng nhưng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lại có sự thay đổi về cơ cấu. Lượng tiền gửi ngân hàng tăng từ 190,2 tỷ lên 283,7 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tăng 49,2%. Trong khi đó, khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh tại thời điểm đầu năm ghi nhận 360,5 tỷ đồng đã không còn được ghi nhận.
Đây là 3 khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từng ghi nhận vào cuối năm 2022 với giá trị lần lượt 105,9 tỷ, 153,4 tỷ và 101,1 tỷ đồng. Điều đáng nói đó là tại thời điểm cuối năm 2022, Tasco không ghi nhận giá trị hợp lý của khoản đầu tư này nên khó có thể xác định được tình trạng lãi, lỗ của khoản đầu tư trái phiếu 360,5 tỷ đồng này.
Bên cạnh đó, phải thu ngắn hạn đang chiếm 1.428,9 tỷ đồng. Công ty cũng đang ghi nhận tới 145,6 tỷ đồng nợ ngắn hạn khó đòi.
Về cơ cấu nguồn vốn, Tasco đang có 1.290,5 tỷ đồng nợ ngắn hạn. So với đầu năm, lượng nợ ngắn hạn đã gia tăng gần 150 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty đang vay nợ dài hạn thêm 4.341,9 tỷ đồng. Tổng lượng vay nợ của Tasco hiện tại là 5.632,4 tỷ đồng, chưa tính tới các khoản phải trả khác.
Tại cuối quý 2, nguồn vốn chủ sở hữu của Tasco đạt 3.884,1 tỷ đồng, không biến động quá nhiều so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, có thể thấy rằng nguồn vốn chủ sở hữu đang thấp hơn rất nhiều so với lượng vay nợ của Tasco.
Lượng nợ vay lớn cũng thể hiện qua chi phí lãi vay mà Tasco đang phải trả lên tới 81,8 tỷ đồng chỉ tính riêng trong quý 2 và lên tới 155,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Như vậy, mỗi ngày Tasco trả lãi cũng đã lên tới gần 900 triệu đồng.
Lợi nhuận sụt giảm mạnh, Tasco vẫn rót 550 tỷ đồng vào Tasco Land
Trong quý 1 năm 2022, Tasco chỉ ghi nhận lãi gần 1 tỷ đồng. Lợi nhuận quý 2 tuy đã có phục hồi nhưng cũng chỉ đạt 9,8 tỷ đồng, chưa đủ để cứu cánh cho quý 1. Thế nhưng Tasco vẫn quyết định tăng vốn điều lệ cho Tasco Land từ 200 lên 750 tỷ đồng. Điều này tương ứng với việc Tasco sẽ rót thêm 550 tỷ đồng cho Tasco Land.
Tasco Land là công ty con của Tasco, mới chỉ được thành lập từ tháng 3 năm 2022 với định hướng để quản lý và phát triển chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao.
Vào tháng 10 năm 2022, Tasco cũng đã từng rót 100 tỷ đồng cho Tasco Land và nâng vốn điều lệ của đơn vị này lên 200 tỷ đồng. Tasco Land cũng chính là chủ đầu tư của Công ty TNHH NVT Holdings, đơn vị đang sở hữu 94,2% vốn điều lệ, tương ứng lượng nắm giữ 85 triệu cổ phiếu của CTCP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay (NVT).