Cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình
Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị giao ban tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và tháng 7 năm 2024.
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm và tháng 7 năm 2024 của Bộ Nội vụ, ông Vũ Đăng Minh – Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ có 436 nhiệm vụ (104 nhiệm vụ trong chương trình công tác, 332 nhiệm vụ phát sinh ngoài chương trình công tác).
Bộ Nội vụ đã hoàn thành 409 nhiệm vụ, đạt 93,8% (trong đó, có 90 nhiệm vụ trong chương trình công tác và 319 nhiệm vụ phát sinh ngoài chương trình công tác).
Cụ thể, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng, tính toán các phương án tối ưu, khả thi nhất để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội.
Theo đó, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, khả thi và hiệu quả.
Trình Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ năm 2024; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết và 1 báo cáo; trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định và 6 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 Quyết định, 1 Công điện và đang xem xét, ban hành 6 dự thảo Nghị định; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 5 Thông tư, 2 văn bản hợp nhất.
Bộ Nội vụ đã tổ chức thẩm định được 14 Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của các địa phương…
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung, nỗ lực hoàn thành 213 nhiệm vụ. Riêng tháng 7/2024 phải tập trung hoàn thành 48 nhiệm vụ cấp có thẩm quyền giao.
Trong đó, ưu tiên nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách ngành nội vụ trong 6 tháng cuối năm 2024 gồm: Hoàn thiện 4 Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Giải quyết biên chế giáo viên
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng yêu cầu tập trung hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Nghị định; trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 12 Thông tư. Riêng tháng 7/2024 phải hoàn thành 06 Nghị định và trình Bộ trưởng ban hành 6 Thông tư.
Triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận số 83 ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết để giải quyết các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.
Quyết liệt đôn đốc 31/53 địa phương còn lại hoàn thành đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2024 để địa phương ổn định, tổ chức đại hội Đảng ở cơ sở năm 2025.
Kiên trì thực hiện việc sắp xếp 140 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành theo Kết luận số 114 của Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó, tập trung hoàn thành 9 cơ sở dữ liệu ngành chuyên ngành nội vụ; tiếp tục cập nhật, bổ sung làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức để đưa vào sử dụng, khai thác phục vụ có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức.
Tiếp tục sử dụng nền tảng đào tạo trực tuyến mở (MOOC) để bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực nội vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ và ngành Nội vụ để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, trong đó có những vấn đề khó như: Vấn đề cải cách tiền lương, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; cải cách công vụ, công chức (đánh giá, xếp loại đến hành vi, xử lý, kỷ luật, khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức,…).
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thanh Trà cũng chỉ ra một số hạn chế như nhiệm vụ hoàn thành trong tháng 6 vẫn thấp, tinh thần chủ động tham mưu, sát sao với nhiệm vụ của một số đồng chí đứng đầu đơn vị vẫn chưa quyết liệt.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và tháng 7 năm 2024, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thống nhất với dự thảo báo cáo. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng gợi mở và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai: Thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình; hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng tiến độ được giao; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính của các Bộ, ngành; giải quyết biên chế giáo viên; hoàn thành hệ thống thể chế; công tác thanh tra, pháp chế;...
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tap-trung-trien-khai-cac-noi-dung-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-a671360.html