Tham dự có lãnh đạo Sở VHTTDL, các đơn vị/ phòng chuyên môn thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố, đại diện các cơ quan nghiên cứu văn hóa và đào tạo về di sản văn hóa thuộc Bộ VHTTDL, Viện VHNT quốc gia Việt Nam, Viện Âm nhạc, các nghệ nhân tiêu biểu đại diện cho cộng đồng chủ thể thực hành các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của 63 tỉnh/ thành phố.
Đây là lần đầu tiên Cục Di sản văn hóa tổ chức tập huấn xây dựng Báo cáo định kỳ quốc gia tình trạng di sản trong các danh sách của UNESCO. Tham gia có các báo cáo viên GS.TS. Nguyễn Thị Hiền, thành viên Ban tư vấn của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2017-2020; Ths. Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam.
Hoạt động tập huấn cung cấp cho các học viên phương pháp, kỹ thuật viết báo cáo định kỳ từ nhiều góc độ khác nhau, hiểu về những thay đổi trong cơ chế báo cáo dựa trên kết quả kiểm kê hàng năm cũng như hiểu hơn về việc tích hợp các hoạt động bảo vệ di sản phi vật thể trên quy mô rộng.
Đây cũng là một trong những cơ hội hiếm hoi để nhiều tỉnh, thành phố có di sản trong các Danh sách của UNESCO cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn sự kết nối và hợp tác tích cực trong trong tương lai.
Việc tổ chức xây dựng Báo cáo định kỳ quốc gia thể thể hiện sự nỗ lực, vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết khi tham gia Công ước 2003 của UNESCO đối với việc quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, kiểm kê, nhận diện, thực hành, truyền dạy, quảng bá và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh; khẳng định vai trò quan trọng của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, cũng như để đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể và hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được UNESCO ghi danh.
Đồng thời, thể hiện trách nhiệm và tình yêu của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản và chính quyền các cấp đối với di sản văn hóa phi vật thể.
Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua năm 2003. Ngày 20. 9. 2005, Việt Nam chính thức tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế quan trọng này, đánh dấu sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với UNESCO và các nước trên thế giới.
Trong quá trình đó, Công ước 2003 là công cụ pháp lý quan trọng góp phần định hướng và hỗ trợ Việt Nam ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng và phù hợp với công tác bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam.
Năm 2001, lần đầu tiên loại hình di sản văn hóa phi vật thể được chính thức quy định tại Luật Di sản văn hóa, tạo một bước chuyển biến lớn và quan trọng trong nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa phi vật thể, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.
Ngay từ khi xây dựng Luật Di sản văn hóa năm 2001, nhiều nội dung về di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Luật. Luật Di sản văn hóa dành riêng một chương để quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Các nội dung về di sản văn hóa phi vật thể quy định trong Luật đã góp phần quan trọng vào thành quả bảo vệ di sản văn hóa nói chung trong suốt hơn 20 năm qua, làm cân bằng hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phù hợp với tinh thần, quy định của Công ước 2003, được quốc tế đánh giá cao, góp phần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tạo bức tranh chung, đa dạng văn hóa của nhân loại.
Theo Công ước 2003, các biện pháp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là ghi danh vào các Danh sách, mà còn là việc các quốc gia cần thực hiện các biện pháp khác nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm cả di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh và di sản văn hóa phi vật thể chưa được ghi danh.
Một trong những biện pháp quan trọng và bắt buộc đối với các quốc gia thành viên của Công ước 2003 là thực hiện nhiệm vụ báo cáo về tình trạng các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh tại các danh sách của UNESCO.
Thông qua việc xây dựng báo cáo, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng chủ thể của di sản nắm rõ được tình trạng của di sản cũng như những biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được thực hiện trong thời gian qua.
Báo cáo này sẽ được Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể xem xét, đánh giá và cho ý kiến. Nội dung Báo cáo tập trung vào việc nhận diện sự thay đổi về chức năng xã hội và văn hóa của di sản so với thời điểm được ghi danh; ý nghĩa của di sản hiện nay đối với cộng đồng; sức sống hiện nay của di sản so với thời gian trước; tình trạng thực hành, truyền dạy, sự thay đổi về chức năng xã hội và văn hóa của di sản so với thời điểm được ghi danh; các biện pháp đã và đang thực hiện; sự tham gia của cộng đồng, chính quyền địa phương và xã hội vào việc bảo vệ di sản…
Tính đến nay, Việt Nam có 15 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các danh sách của UNESCO. Trong đó, 13 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 02 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Các di sản văn hóa phi vật thể này phân bố rộng khắp trên địa bàn của 63 tỉnh, thành phố. Hoạt động ghi danh vào các Danh sách của UNESCO là một trong nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Tuy nhiên, sau khi ghi danh, chính quyền, cộng đồng chủ thể của di sản ở các cấp càng cần có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị đối với các di sản, làm cho di sản văn hóa có đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội, góp phần phát triển đất nước.
Thông qua việc tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO và Công ước 2003, cũng như tự cường mạnh mẽ trong việc đóng góp vào bảo vệ sự đa dạng văn hóa và phát triển bền vững di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới. Di sản văn hóa phi vật thể ngày càng có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững văn hóa, kinh tế và xã hội của mỗi cộng đồng, quốc gia./.
Nguồn: https://toquoc.vn/tap-huan-xay-dung-bao-cao-dinh-ky-thuc-hien-cong-uoc-2003-va-tinh-trang-di-san-trong-cac-danh-sach-cua-unesco-20241019092441032.htm