Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp quản trị, điều hành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên vượt qua khó khăn, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu với nhiều con số ấn tượng.
Xác định năm 2024 là năm then chốt, tăng tốc và bứt phá nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu 5 năm (2021-2025), Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, ứng phó trước biến động của thị trường.
Chủ động vượt khó
Những tháng đầu năm, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) phải đối diện nhiều khó khăn trước biến động của thị trường, nhất là các loại chi phí có xu hướng tăng cao, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước suy giảm,… Nhờ áp dụng các giải pháp quản trị, công ty vượt khó, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Trong sáu tháng qua, đơn vị đã sản xuất 2,85 triệu tấn sản phẩm (tiêu thụ 2,75 triệu tấn), đạt 119%; tổng doanh thu 55,3 nghìn tỷ đồng, đạt 139%; nộp ngân sách hơn 5.700 tỷ đồng, đạt 131% kế hoạch, lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra. BSR đã hoàn thành công tác bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 Nhà máy lọc dầu Dung Quất; thử nghiệm thành công tăng công suất phân xưởng CDU lên 118%, RFCC lên 110%, KTU lên 140% công suất thiết kế; thử nghiệm chế biến dầu thô mới Bunga Orkid với 20% vol và sản xuất thành công 500 tấn sản phẩm mới là hạt nhựa PP định hình nhiệt TF4035,…
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, bên cạnh những thành quả đạt được, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đối diện nhiều khó khăn như rủi ro về địa kinh tế, chính trị, lãi suất cao, tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu và kế hoạch nới lỏng sản lượng dầu của OPEC+. Ngoài ra, việc đàm phán mua bán dầu thô Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Để hoàn thành mục tiêu sản xuất 3,33 triệu tấn sản phẩm (tiêu thụ 3,29 triệu tấn), tổng doanh thu 55,27 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách 6.164 tỷ đồng sáu tháng cuối năm, đơn vị sẽ chủ động triển khai tám nhóm giải pháp về quản trị doanh nghiệp; mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng suất và hiệu suất; mở rộng thị trường, kinh doanh quốc tế,… nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất, giữ vững mục tiêu tăng trưởng đề ra” – ông Bùi Ngọc Dương nhấn mạnh.
Trong sáu tháng đầu năm, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS) đã nhập bốn chuyến LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) với giá trị gần 3.000 tỷ đồng để cung cấp cho ngành điện trong cao điểm mùa khô, góp phần bù đắp sản lượng khí nội địa đang sụt giảm nhanh; đồng thời, sản lượng kinh doanh LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) hoàn thành ở mức cao, tăng 38% so với cùng kỳ, góp phần bù cho doanh thu sụt giảm do tiêu thụ khí thấp. Doanh thu của PVGAS đạt 111%, tăng 12% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 129% kế hoạch. Tổng Giám đốc PVGAS Phạm Văn Phong nhận định, sự suy giảm nguồn khí nội địa đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo cùng với những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh là những khó khăn lớn đơn vị đang phải đối diện, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện các định hướng chiến lược phát triển của đơn vị. Do đó, trong ngắn hạn, PVGAS sẽ tập trung kinh doanh, phát triển thị trường, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu chuyển dịch, phát triển xanh trong trung và dài hạn. Trong đó, LNG sẽ là nền tảng, sản phẩm chủ lực của PVGAS trong tương lai. “Để thực hiện được điều này, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước để có thể chiếm lĩnh thị trường trong bối cảnh nguồn khí nội địa suy giảm nhanh và yêu cầu sử dụng nguồn LNG để bù đắp, thay thế là tất yếu” – ông Phạm Văn Phong khẳng định.
Phát triển các chuỗi liên kết giá trị
Với doanh thu gần 64 nghìn tỷ đồng, đạt 154%; lợi nhuận trước thuế đạt 390 tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch sáu tháng; sản lượng bán hàng qua kênh bán lẻ ghi nhận sự tăng trưởng cao, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong sáu tháng qua, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã phát triển thêm 60 cửa hàng xăng dầu, nâng tổng số hiện có trong toàn hệ thống lên 807 cửa hàng xăng dầu, cho thấy hướng phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để đầu tư, phát triển các dịch vụ phi xăng dầu tại cửa hàng xăng dầu nhằm gia tăng doanh thu, lợi nhuận và thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, qua đó, đóng góp chung vào mục tiêu tăng trưởng của ngành dầu khí.
Số liệu thống kê của PVN cho thấy, gia tăng trữ lượng sáu tháng đầu năm đạt 4,38 triệu tấn quy dầu. Tập đoàn có hai phát hiện dầu khí mới (tại Lô 09-1, mỏ Rồng và Lô PM3-CAA, mỏ Bunga Aster). Đây là kết quả rất đáng khích lệ vì trong giai đoạn năm 2019-2023, chỉ có năm 2023, Tập đoàn mới có hai phát hiện dầu khí trong một năm. Điều này minh chứng PVN đã thực hiện tốt phương châm hành động của năm 2024 là “Bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ” để phát triển. Trong hoạt động tài chính, PVN tiếp tục thực hiện tốt công tác quản trị, do đó, các chỉ tiêu tài chính đều hoàn thành vượt mức từ 20-77% kế hoạch và tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Tổng doanh thu toàn tập đoàn trong sáu tháng đạt 482,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15%; nộp ngân sách 71,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ…
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Lê Mạnh Hùng, bên cạnh những thành công, Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để các đơn vị trong các lĩnh vực chủ động trong triển khai công việc; đồng thời nghiên cứu ban hành cơ chế khuyến khích các đơn vị hoạt động hiệu quả. Đồng thời, PVN tập trung đẩy mạnh việc hình thành và triển khai các chuỗi liên kết giá trị trong tập đoàn, từ đó tạo điều kiện để giám sát, đôn đốc các đơn vị tích cực phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao, hoàn thành kế hoạch quản trị cũng như tập trung đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp tạo ra các động lực mới, thúc đẩy công tác đầu tư trong thời gian tới; nghiên cứu, đánh giá triển khai các mô hình kinh doanh mới phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn cũng như các đơn vị.
Nguồn: https://nhandan.vn/tap-doan-dau-khi-viet-nam-giu-vung-muc-tieu-tang-truong-post823731.html