Quảng Ninh Từ bỏ công việc ổn định, anh Đoàn Công Bách quyết tâm xây dựng sản phẩm rượu men lá Gốc Đa từ gạo nếp cái hoa vàng trứ danh của Quảng Yên.
Quảng Ninh Từ bỏ công việc ổn định, anh Đoàn Công Bách quyết tâm xây dựng sản phẩm rượu men lá Gốc Đa từ gạo nếp cái hoa vàng trứ danh của Quảng Yên.
Năm 2019, khi đang có công việc kỹ sư ổn định với mức lương hơn chục triệu đồng mỗi tháng, anh Đoàn Công Bách (khu Biểu Nghi, phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên) quyết định bỏ việc.
“Biết được thông tin đó, cả gia đình tôi đều phản đối, thế nhưng tôi vẫn kiên quyết xin nghỉ để thực hiện ước mơ của mình. Tôi mong muốn rằng sẽ tạo được một thương hiệu mang đậm dấu ấn địa phương và được tạo nên từ chính sản vật của quê hương mình”, anh Bách tâm sự.
Nói là làm, anh Bách tập trung nghiên cứu và đưa ra quyết định sẽ phát triển mô hình nấu rượu kết hợp với máy móc công nghệ cao. Theo đó, nguồn nguyên liệu chính là gạo nếp cái hoa vàng trứ danh được trồng tại vùng đất Quảng Yên và lấy tên “Gốc Đa” – tên địa danh nơi anh Bách sinh ra và lớn lên.
“Ngoài số tiền ít ỏi tích cóp được, hai vợ chồng tôi phải đi vay mượn thêm, tổng cộng được khoảng 2 tỷ đồng, tất cả đổ dồn vào đầu tư dây chuyền sản xuất”, anh Bách chia sẻ. Cùng với đó, để lựa chọn được loại men phù hợp, anh Bách phải mất rất nhiều thời gian để tìm tòi và thử nghiệm.
Ngoài khó khăn về vốn đầu tư, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên nhiều mẻ rượu bị hỏng, thiệt hại nhiều khi lên tới hàng chục triệu đồng. “Khó khăn thì nhiều vô kể, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, hàng hóa không thể tiêu thụ được. Rồi có lần do chưa xây dựng được quy trình nấu rượu nên công nhân làm hỏng 1 tấn nếp cái hoa vàng, không thể sử dụng được. Nhưng cũng từ chính những thất bại đó, tôi mới đúc rút được cho mình nhiều kinh nghiệm”, anh Bách bày tỏ.
Vừa đưa chúng tôi đi tham quan cơ sở nấu rượu của mình, anh Bách vừa chia sẻ: “Mô hình nấu rượu của tôi là mô hình đầu tiên tại Quảng Yên. Để tạo nên hệ thống nấu rượu, tôi đã tự mình thiết kế, sau đó tìm đơn vị gia công để đảm bảo phù hợp với yêu cầu, từ đó tạo nên hương vị đặc trưng, chỉ có duy nhất tại đây”.
Tại đây, rượu được lên men thủ công, sau đó cho vào chưng cất bằng công nghệ tháp đa tầng của châu Âu. Điều này giúp rượu được ngưng tụ và bay hơi nhiều lần, từ đó đảm bảo tinh khiết, ít lẫn tạp chất và tạo nên nồng độ như ý.
Đến nay, sản phẩm rượu men lá Gốc Đa đã gây dựng được thương hiệu và nhận được chứng nhận OCOP 3 sao. Không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm đã có mặt ở khắp mọi miền và được đánh giá cao. Hiện doanh thu mỗi tháng của cơ sở từ 50 – 70 triệu đồng.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, anh Bách bồi hồi kể: “Dấu mốc để tôi có thể bứt phá và phát triển như ngày hôm nay bắt nguồn từ một lần sang học hỏi kinh nghiệm của người anh bên Hải Dương, hôm đó trời mưa to, một mình tôi đi xe máy. Qua những chia sẻ, tôi thay đổi rất nhiều về tư duy, cách phát triển, quảng bá hình ảnh thương hiệu để từ đó nâng quy mô lên gấp 10 lần so với ban đầu”.
Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển cơ sở sản xuất, anh Bách còn hướng dẫn các hộ dân khác quy trình nấu rượu, từ đó nâng cao thu nhập.
“Tôi đang giữ vai trò chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân trẻ thị xã Quảng Yên. Tại đây, các thành viên đều chia sẻ, học hỏi lẫn nhau để đưa ra những mô hình phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bản thân tôi đã kết nối và hướng dẫn thành công 1 bạn trẻ để phát triển mô hình nấu rượu, dù mới đưa ra thị trường nhưng đã nhận được những phản hồi tích cực”, anh Bách chia sẻ.
Theo đánh giá của Hội Nông dân thị xã Quảng Yên, đến nay, sau hơn 5 năm phát triển, anh Đoàn Công Bách đã thành công trong việc tạo dựng sản phẩm mang đậm dấu ấn địa phương, trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất giỏi và giúp nhau làm giàu tại địa phương.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/tao-thuong-hieu-tu-dac-san-nep-cai-hoa-vang-dia-phuong-d413982.html