Bộ Tài chính đã đề xuất kéo dài chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến ngày 31/12/2027.
Gia hạn chương trình là giải pháp cần thiết
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định nhằm điều chỉnh lại các mức thuế suất, danh mục hàng hóa và các loại thuế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại điều 9 của Nghị định 26/2023/NĐ-CP. Trong đó, cơ quan quản lý đề xuất kéo dài thời gian chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến ngày 31/12/2027.
Việc gia hạn chương trình đến năm 2027 không chỉ đơn thuần là một chính sách ưu đãi, mà còn là cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, xây dựng nền công nghiệp ô tô hiện đại, tự chủ và bền vững. Ảnh: VinFast |
Đề xuất này không chỉ đảm bảo tính nhất quán trong các chính sách ưu đãi mà còn tạo cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Bộ Tài chính, việc gia hạn chương trình là giải pháp cần thiết nhằm hiện thực hóa chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng của Đảng và Chính phủ. Chính sách này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô mà còn giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN với thuế suất 0%.
Điểm sáng từ chương trình là sự lan tỏa tích cực đến các ngành phụ trợ, bao gồm sản xuất linh kiện, bảo hành, bảo dưỡng và đặc biệt là hạ tầng phát triển ô tô điện – lĩnh vực đang dần khẳng định vị thế với những cái tên tiêu biểu như VinFast và Công ty TMT.
Để đảm bảo sự đồng bộ, Bộ Tài chính đề xuất thời hạn gia hạn chương trình này tương đương với các chính sách ưu đãi thuế khác trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô. Điều này sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp ô tô trong nước bứt phá, cả về năng lực sản xuất lẫn tỷ lệ nội địa hóa.
Đánh giá về Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô thời gian qua, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, các chính sách ưu đãi thuế nói chung và Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đây ngành công nghiệp ô tô phát triển trong những năm gần đây.
Thị trường ô tô trong nước tăng trưởng tốt, quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, đặc biệt, một số dòng xe diện sản xuất và lắp ráp trong nước tăng trưởng nhanh. Tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe thương mại tương đối cao, đã xuất khẩu được một số sản phẩm ô tô, linh kiện ô tô sang nhiều thị trường khu vực và trên thế giới. Đồng thời, đã hình thành được một số thương hiệu ô tô nội địa mạnh; thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất lĩnh vực công nghiệp ô tô.
Kể từ khi Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được ban hành, theo đánh giá của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), các doanh nghiệp thành viên đã ghi nhận những hiệu quả nhất định mà chương trình mang lại thông qua việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
VAMI cho rằng, đây là cơ sở để các doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị mới, công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới, từng bước khẳng định sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, đã có 38 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định tại Nghị định số 116/2017/ND-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ và có khoảng 410 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô với 1.229 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô đã được chế tạo.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã cấp Giấy xác nhận ưu đãi khoảng 40 dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. “Đây là cơ sở để các doanh nghiệp tiếp tục làm việc với cấp có thẩm quyền để được xem xét hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật. Chính sách ưu đãi thuế là đòn bẩy quan trọng, giúp doanh nghiệp an tâm mở rộng quy mô, cải tiến thiết bị, đồng thời từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô” đại diện VAMI chia sẻ.
Xây dựng nền công nghiệp ô tô hiện đại, tự chủ và bền vững
Việc Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đề xuất kéo dài thời gian áp dụng chương trình ưu đãi đến hết năm 2027, tạo điều kiện thuận lợi để ngành này tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo dự thảo sửa đổi, đến hết ngày 31/12/2027, các loại nguyên liệu, vật tư, linh kiện chưa sản xuất được trong nước, phục vụ trực tiếp cho quá trình sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành ô tô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.
Trước khi chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu 0% có hiệu lực, người khai hải quan sẽ kê khai và tính thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu theo các mức thuế suất hiện hành, bao gồm thuế suất thông thường, ưu đãi hoặc ưu đãi đặc biệt.
Sau khi chính sách được áp dụng, để hưởng mức ưu đãi thuế nhập khẩu 0% dành riêng cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, người khai hải quan cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thủ tục theo quy định
Việc gia hạn chương trình đến năm 2027 không chỉ đơn thuần là một chính sách ưu đãi, mà còn là cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, xây dựng nền công nghiệp ô tô hiện đại, tự chủ và bền vững.
Những hiệu quả mà chương trình mang lại sẽ tiếp tục tạo động lực để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khẳng định vị thế, không chỉ trong nước mà còn trên bản đồ công nghiệp toàn cầu.
Nguồn: https://congthuong.vn/de-xuat-keo-dai-uu-dai-thue-cong-nghiep-ho-tro-o-to-tao-luc-day-cho-nganh-o-to-tang-truong-363592.html