Bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ:
Với sự hỗ trợ của nhiều nước, Việt Nam đã thực hiện thí điểm mô hình công nghiệp sinh thái từ năm 2014 cho đến nay. Sau 10 năm triển khai, đến nay, ngoài việc thí điểm thì mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái cũng đã được nhân rộng tại một số địa phương và đạt những hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường.
Việt Nam đã ban hành những quy định đầu tiên về KCN sinh thái tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (KKT). Tiếp theo đó, những quy định về KCN sinh thái tiếp tục được hoàn thiện tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP. Ngoài kế thừa những điều kiện, tiêu chí của KCN sinh thái theo Nghị định 82, Nghị định 35 đã làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí này theo từng nhóm đối tượng.
Trong quá trình phát triển, công nghiệp sinh thái cũng đã được cộng đồng DN trong các KCN đón nhận hết sức tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Bộ KHĐT đã có những động thái hỗ trợ nào để phát triển các KCN?
– Hiện nay, ngoài việc chuyển đổi các KCN thông thường sang sinh thái, nhiều nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp với tư tưởng mới đang đề xuất các dự án hạ tầng KCN theo mô hình công nghiệp sinh thái mới từ ban đầu, theo đó xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngay từ khi lập quy hoạch, lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như định hướng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào trong KCN.
Thuận lợi là chúng ta đã có 2 Nghị định như đã nói ở trên nhưng đây mới chỉ là văn bản pháp lý, hiện nay các địa phương nào chủ động định hướng, khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ phát triển KCN theo mô hình mới thì nơi đó có nhiều dư địa để phát triển.
Do các hoạt động của một khu công nghiệp đang được điều chỉnh bởi nhiều quy phạm pháp luật khác nhau như: Quy định về đầu tư, đất đai; xây dựng; môi trường; phòng cháy, chữa cháy…, một số khó khăn mà các KCN chuyển đổi sang KCN sinh thái đang gặp phải đó chính là việc tái sử dụng các chất thải nước thải để thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp cũng như tiếp cận những nguồn lực về tài chính, về tín dụng, ưu đãi đối với mô hình này. Các hoạt động xây dựng KCN sinh thái đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, do đó, cần có những chính sách khuyến khích phù hợp các nhà đầu tư để họ có động lực triển khai mô hình theo hướng bền vững.
Trong ngắn hạn, Bộ KHĐT cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quá trình rà soát những quy định pháp lý, có ý kiến góp ý cụ thể đối với việc sửa các quy định của pháp luật. Ví dụ, sửa quy định pháp luật về môi trường, sửa các quy định pháp luật về tài nguyên nước để đảm bảo đồng bộ, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp…
Có ý kiến cho rằng, KCN sinh thái của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhưng các văn bản pháp luật đang chưa theo kịp, thưa bà?
– Trong dài hạn, việc phát triển các mô hình KCN mới cần có hành lang pháp lý cao hơn Nghị định. Trong quá trình hoàn thiện thể chế liên quan đến quản lý KCN, KKT, hiện Bộ KHĐT đang tham mưu, trình Chính phủ xem xét, thông qua Đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế, tập trung vào một số điểm chính:
Tạo hành lang pháp lý thống nhất về xây dựng, vận hành KCN, KKT cũng như đảm bảo việc thể chế hóa và thực hiện được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp theo hướng bền vững. Quy định các chính sách để cụ thể những nội dung liên quan đến công tác quy hoạch của KCN, KKT và đồng bộ hóa công tác quy hoạch này với các quy hoạch cấp trên như quy hoạch vùng quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…; các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các KCN mới, KKT mới…; chính sách thu hút một số ngành nghề có hàm lượng khoa học công nghệ cao, ngành công nghiệp mới.
Đối với mô hình KCN sinh thái, do các cơ chế chính sách ưu đãi đang được quy định tại pháp luật về thuế, đề nghị xây dựng Luật định hướng bổ sung một số cơ chế chính sách ngoài thuế, tài chính như: Quy định thời hạn hoạt động của các dự án đầu tư hạ tầng KCN cao hơn so với những dự án hạ tầng KCN thông thường, các điều kiện tín dụng ưu đãi để huy động nguồn lực trong việc thực hiện sáng kiến khu sinh thái.
Một nội dung quan trọng của Luật là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ” với trọng tâm xây dựng cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT tại các địa phương – các Ban quản lý KCN, KKT – tinh gọn, đủ thẩm quyền cũng như năng lực.
– Xin cảm ơn bà!
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/tao-hanh-lang-phap-ly-phat-trien-khu-cong-nghiep-sinh-thai-1383780.ldo