Táo bón mặc dù là tình trạng nhiều người mắc phải, nhưng ít ai biết rằng nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của hệ tiêu hóa, mà còn có khả năng gây mất trí nhớ.
Một số bệnh lý thần kinh gây táo bón
Thạc sĩ – bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Văn Hiều, khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 175, cho biết, táo bón có thể là cấp tính (ngắn hạn) hoặc mạn tính (kéo dài): “Theo tiêu chuẩn chẩn đoán Rome IV, táo bón mạn tính được xác định khi tình trạng táo bón kéo dài trên 3 tháng và gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Điều này có thể bao gồm nguyên nhân, do bệnh lý và cả do thói quen sinh hoạt”.
Theo đó, các nguyên nhân gây táo bón có thể kể đến như sau:
Tắc nghẽn đường ruột: Các khối u trong đại tràng, trực tràng hoặc ở ngoài chèn ép đại tràng có thể cản trở sự di chuyển của phân, gây táo bón.
Bệnh lý thần kinh: Những người mắc bệnh Parkinson, bệnh xơ cứng rải rác (MS), hoặc tổn thương tủy sống thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát nhu động ruột.
Suy giáp: Chức năng tuyến giáp giảm cũng có thể làm chậm chuyển hóa và nhu động ruột, gây táo bón.
Thói quen đi vệ sinh không đúng: Việc nhịn đại tiện hoặc không có thói quen đi vệ sinh đều đặn làm tăng nguy cơ táo bón vì phân bị lưu trữ lâu trong đại tràng, trở nên khô và khó được đẩy ra ngoài.
Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể gây táo bón như thuốc giảm đau opioid, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc bổ sung sắt, thuốc chẹn kênh canxi…
Rối loạn chức năng đường tiêu hóa: Những người bị Hội chứng ruột kích thích (IBS) thường gặp khó khăn với việc điều chỉnh nhu động ruột, dẫn tới táo bón hoặc tiêu chảy.
Thiếu chất xơ, thiếu nước: Làm phân khô và khó di chuyển qua đại tràng. Việc uống đủ nước, ăn đủ chất xơ sẽ giúp phân dễ được đào thải hơn.
Thiếu vận động thể chất: Làm chậm hoạt động của hệ tiêu hóa, dẫn đến táo bón.
Thay đổi nội tiết và tuổi tác như mang thai, cao tuổi.
Vì sao nói táo bón ảnh hưởng trí nhớ, nhận thức?
Bác sĩ Trần Văn Hiều cho biết, táo bón có thể liên quan tới nguy cơ suy giảm và mất trí nhớ do những ảnh hưởng từ trục ruột – não (gut-brain axis): “Trục này là hệ thống kết nối giữa hệ vi sinh vật đường ruột và hệ thần kinh trung ương, thông qua các cơ chế miễn dịch, nội tiết và thần kinh. Táo bón kéo dài có thể gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến sự suy giảm của các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine, ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của não. Ngoài ra, tình trạng viêm do táo bón có thể tạo ra các chất trung gian viêm (cytokines) gây tổn thương mô thần kinh, góp phần gây ra suy giảm nhận thức”.
Không chỉ vậy, việc táo bón kéo dài, đặc biệt là trên 3 tháng và không đáp ứng với các biện pháp điều trị cơ bản có thể làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ, đặc biệt ở người cao tuổi. Những trường hợp táo bón nặng kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác như suy dinh dưỡng, mất nước, hoặc bệnh lý mạn tính (như parkinson, alzheimer) càng dễ gây ra tình trạng suy giảm nhận thức.
“Sự tích tụ độc tố trong cơ thể do sự chậm trễ trong quá trình đào thải phân có thể ảnh hưởng tới chức năng não bộ và làm suy giảm khả năng nhận thức”, bác sĩ Hiều nói.
Nhiều hậu quả nghiêm trọng, không nên xem thường
Bác sĩ Hiều cho biết thêm, nếu bị táo bón kéo dài, người bệnh có thể mắc phải các tình trạng sau:
Trĩ và nứt kẽ hậu môn: Sự khó khăn khi đại tiện khiến cho tĩnh mạch vùng hậu môn bị giãn, gây trĩ và nứt hậu môn, đau đớn, có thể chảy máu.
Phân cứng và tắc ruột: Táo bón lâu ngày có thể dẫn đến sự tích tụ của phân cứng trong đại tràng, hình thành các sỏi phân, thậm chí gây tắc nghẽn ruột, phải điều trị bằng các phương pháp can thiệp y khoa.
Sa trực tràng: Táo bón mãn tính có thể làm tăng áp lực lên trực tràng và dẫn đến sa trực tràng, khi một phần của trực tràng trượt ra ngoài.
Rối loạn tiểu tiện và nhiễm trùng đường tiết niệu: Táo bón lâu ngày có thể ảnh hưởng tới bàng quang và đường tiết niệu, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Suy giảm hệ miễn dịch và viêm nhiễm: Sự tích tụ độc tố và tình trạng viêm mãn tính có thể làm suy giảm hệ miễn dịch và dễ mắc các bệnh viêm nhiễm khác.
Để phòng ngừa và giảm nhẹ chứng táo bón, bác sĩ Trần Văn Hiều đề xuất các thói quen sinh hoạt lành mạnh, đặc biệt là bổ sung các chất dinh dưỡng giàu chất xơ, uống đủ nước, tập thể dục đều đặn và tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ. Ngoài ra, việc, giảm căng thẳng thông qua thực hành thiền, hít thở sâu cũng có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón. Việc duy trì lối sống lành mạnh và chủ động điều trị táo bón sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ các biến chứng liên quan.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tao-bon-keo-dai-co-the-dan-toi-nguy-co-suy-giam-tri-nho-185241203175023084.htm