Tại Hội thảo “Ghép phổi từ người cho chết não – Thực trạng và giải pháp” được tổ chức ngày 9/8, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã nêu rõ quyết tâm nâng tỷ lệ ghép tạng từ người cho chết não.
Hiện nay, Việt Nam là nước ASEAN duy nhất thực hiện ghép tạng trên 1.000 ca/năm, trong đó tạng từ người hiến chết não chiếm 6%, tạng hiến từ người sống 94%. Nhu cầu ghép tạng rất lớn, tuy nhiên, còn rất ít người đăng ký hiến tặng mô tạng sau chết não.
Các bác sỹ trong một ca ghép phổi cho bệnh nhân. |
Tuy nhiên, thời gian qua, do có sự điều chỉnh trong ghép và chiến dịch vận động người hiến tạng, cùng với đó là sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và hệ thống nội khoa của các bệnh viện nên số lượng ca ghép tạng từ người cho chết não đã tăng lên. Năm 2024, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phấn đấu đạt bước tiến lớn về số ca ghép tạng từ người cho chết não.
Theo các chuyên gia, trong lĩnh vực ghép tạng, tiềm năng, cơ hội cứu sống người bệnh là rất lớn. Với sự hỗ trợ, vào cuộc của Chính phủ, sự quan tâm của Bộ Y tế, các cấp chính quyền, sự thay đổi trong nhận thức của người dân, lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tin tưởng trong giai đoạn tới sẽ có sự sự đột phá trong công tác ghép tạng từ người cho chết não.
Trong các kỹ thuật ghép tạng theo TS.Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ghép phổi vẫn là một thách thức. Đặc biệt, quy trình chuyên môn kỹ thuật của ghép phổi rất khác so với kỹ thuật ghép của nhiều tạng khác.
Hơn nữa, không giống như tim, công tác ghép phổi phải được chuẩn bị trước từ rất sớm. Để hoàn thiện quy trình ghép phổi, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác nội khoa phía người nhận với bên có người hiến. Một bệnh nhân chết não hiến tặng phổi, nếu không có đơn vị nào sẵn sàng chờ để ghép thì sẽ phải bỏ lá phổi đó đi.
Chính vì những khó khăn nêu trên mà đến nay, ghép phổi ở Việt Nam vẫn diễn ra lẻ tẻ, cá thể, ở một vài ca… Trong khi đó, nếu muốn ghép phổi trở thành phương pháp điều trị với người bệnh phổi mạn tính giai đoạn cuối thì không còn cách nào khác là phải sắp xếp lại công tác ghép phổi, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa.
Được biết, hiện bệnh phổi là nguyên nhân gây tàn tật và tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, ghi nhận tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương có khoảng 6,7% ca bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 6-7% ca mắc bệnh phổi mô kẽ phải điều trị suốt đời. Nhiều trường hợp chỉ có cơ hội sống khi được ghép phổi.
Tuy nhiên, kỹ thuật ghép tim phổi hiện là kỹ thuật khó nhất và việc hồi sức tim phổi từ người hiến cũng gặp rất nhiều thách thức.
Được biết, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có thể thực hiện khoảng 200-300 ca ghép tạng. Ngoài ra, tại Bệnh viện cũng có khoảng 300 người tử vong do chấn thương sọ não mỗi năm, đây là con số rất lớn.
Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người khác và một người chết não có thể giúp cải thiện cuộc sống cho 75-100 người khác. Trong tương lai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng sẽ triển khai thực hiện các kỹ thuật ghép tạng mới như ghép tụy, khối tim – phổi, ghép van tim…
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công 9 ca ghép phổi, trong đó có 1 ca tại Bệnh viện Trung ương Huế, 1 ca tại Bệnh viện Quân y 103, 4 ca tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, 3 ca tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trong số đó, có 2 ca sau ghép phổi còn sống là 1 ca tại Bệnh viện Quân y 103 và 1 ca tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ca ghép phổi thành công nhất đến hiện tại là một bệnh nhân bị xơ phổi giai đoạn cuối. Theo đó, năm 2020, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép phổi cho ông N.X.T (Thanh Hóa) bị xơ phổi giai đoạn cuối.
Ca phẫu thuật được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF – 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ.
Toàn bộ quy trình chuẩn bị từ người chết não cho tạng và người chờ ghép phổi đều được đánh giá, chẩn đoán, điều trị chặt chẽ theo tiêu chuẩn của Trung tâm ghép tim phổi Trường Đại học UCSF. Đây là ca ghép phổi thành công toàn diện nhất, đạt mức độ cao nhất như ở Đại học UCSF.
Sau gần 3 năm được thực hiện ghép phổi, người bệnh phục hồi tốt và hoàn toàn khỏe mạnh, chức năng hô hấp ổn định. Đây là ca phẫu thuật được các chuyên gia đánh giá là thành công nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh Việt Nam đã triển khai nhiều ca ghép phổi từ người cho bị chết não nhưng tỷ lệ thành công không cao, thời gian sống của người được cho sau ghép phổi không dài.
Ca ghép phổi lớn thành công nhất gần đây là ca ghép được thực hiện vào chiều 30 Tết Nguyên đán vừa qua. Để thực hiện ca ghép, Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động khoảng 80 nhân lực Bệnh viện trực tiếp tham gia (và nhiều nhân lực khác sẵn sàng điều động, và làm việc trực tuyến), đồng thời có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội,…
Sau khi hội chẩn với GS. Jasleen Giám đốc trung tâm ghép phổi UCSF (là Trung tâm y học uy tín lớn nhất miền Tây, Mỹ), GS.TS. Lê Ngọc Thành (Chủ tịch hội Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực Việt Nam), TS.BS. Nguyễn Công Hựu (Giám đốc Bệnh viện E) đã quyết định khởi động ca ghép phổi này.
Ca phẫu thuật được tiến hành vào ngày 9/2/2024 (30 Tết), kéo dài 12 giờ (từ 10 giờ tới 22 giờ) do TS.BSCC. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cùng các thầy thuốc và chuyên gia Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với GS.TS. Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội và các thầy thuốc và chuyên gia từ Bệnh viện E. Ca ghép đã thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF.
Trên thế giới ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển do đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn nhưng tại Bệnh viện Phổi Trung ương ca ghép này lại được thực hiện thành công trên một người bệnh nghèo ở vùng núi cao Bắc Kạn.
Ca ghép thành công là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các Thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương với những chỉ đạo và quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế Cục Quản lý Khám chữa bệnh.
Theo TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, gánh nặng bệnh phổi có chiều hướng gia tăng đáng kể nhất là sau giai đoạn đại dịch Covid-19 càng làm cho nhu cầu phát triển các kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Do vậy Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương mong mỏi, những đề xuất về quy trình kỹ thuật về ghép phổi và y học tái tạo sẽ được Bộ Y tế được thông qua, từ đó bảo hiểm y tế sẽ thanh toán cho các ca ghép phổi, để ngày càng nhiều bệnh nhân ghép tạng được hưởng lợi.
Nguồn: https://baodautu.vn/tang-ty-le-ghep-tang-tu-nguoi-cho-chet-nao-d222067.html