Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011 của Bộ GTVT và các Thông tư sửa đổi, bổ sung.
Điểm đáng chú ý tại dự thảo là đề xuất bổ sung các quy chế liên quan tới trách nhiệm của người khai thác tàu bay trong quản lý việc sử dụng các chất kích thích thần kinh và nồng độ cồn của thành viên tổ bay.
Cụ thể, trong việc kiểm tra và báo cáo về chất gây nghiện và đồ uống cồn, dự thảo đề xuất bổ sung quy định: Người khai thác tàu bay phải đảm bảo toàn bộ thành viên tổ bay không có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở khi thực hiện nhiệm vụ bay trên lãnh thổ Việt Nam và báo cáo Cục Hàng không VN các vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện vi phạm liên quan.
Cùng đó, người khai thác tàu bay phải phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền đảm bảo người vi phạm các quy định phải trình diện theo yêu cầu của các cơ quan chức năng để thực hiện các quy định về kiểm tra và xử lý vi phạm.
Người khai thác tàu bay cũng phải xây dựng chính sách, quy trình liên quan đến kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa việc sử dụng các chất kích thích thần kinh của thành viên tổ bay trong hệ thống tài liệu an toàn bay.
Ngoài ra, phương tiện đo nồng độ cồn và và người sử dụng phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở phải tuân thủ các quy định riêng.
Trong đó, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về kiểm định của Bộ Khoa học và công nghệ.
Người sử dụng phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở phải được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản, thực hiện đúng quy trình, quy định liên quan đến sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị đo nồng độ cồn trong hơi thở.
Dự thảo cũng quy định, bất kỳ người nào từ chối xét nghiệm các chất kích thích thần kinh, độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi được người có thẩm quyền yêu cầu, hay từ chối cung cấp hoặc cho phép công bố các kết quả kiểm tra khi được Cục Hàng không VN yêu cầu có thể bị từ chối cấp giấy phép, giấy chứng nhận, năng định, văn bằng hoặc phép bổ sung trong thời hạn đến 1 năm hoặc thu hồi hoặc đình chỉ giấy phép, giấy chứng nhận, năng định, văn bằng hoặc phép bổ sung.
Đồng thời, người lao động thực hiện công việc đòi hỏi phải có giấy phép, năng định, giấy chứng nhận, văn bằng hoặc phép bổ sung theo quy định của Bộ Quy chế an toàn hàng không một cách trực tiếp hoặc thông qua hợp đồng với người có giấy chứng nhận do Cục Hàng không VN cấp, nếu có vi phạm liên quan đến việc sử dụng, phụ thuộc vào các chất kích thích thần kinh có thể xử lý với hai trường hợp.
Theo đó, có thể bị từ chối cấp bằng, giấy chứng nhận, năng định, văn bằng hoặc phép bổ sung trong thời hạn đến 1 năm hoặc bị thu hồi hoặc đình chỉ giấy phép, giấy chứng nhận, năng định, văn bằng hoặc giấy phép bổ sung.
Theo Cục Hàng không VN, việc bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ hệ thống quy chế an toàn hàng không Việt Nam đối với các Phụ ước của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), nâng cao năng lực giám sát an toàn trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.
Điều này còn đảm bảo sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định đáp ứng kinh nghiệm, thực tiễn công tác đảm bảo an toàn hàng không tại Việt Nam cũng như nâng cao công tác đảm bảo an toàn hàng không tại Việt Nam.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tang-trach-nhiem-nguoi-khai-thac-tau-bay-trong-quan-ly-giam-sat-thanh-vien-to-bay-192241014152806757.htm