Quy định mới về độ tuổi của người lái xe
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy.
Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Trong đó, hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW;
Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.
Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.
Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500kg; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B có kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg.
Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500kg đến 7.500kg; các loại xe ô tô tải quy định cho GPLX hạng C1 có kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B.
Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE. Trong đó, hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500kg; các loại xe ô tô tải quy định cho GPLX hạng C kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B và hạng C1.
Hạng BE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.
Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE. Trong đó, hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B, C1, C.
Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D2 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B, C1, C, D1.
Hạng C1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng C1 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.
Hạng CE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng C kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc;
Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE. Trong đó, hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B, C1, C, D1, D2.
Hạng D1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D1 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg;
Hạng D2E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D2 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg;
Hạng DE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg; xe ô tô chở khách nối toa.
Đáng chú ý, Luật TTATGT đường bộ 2024 đã tăng độ tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm lên đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
So với quy định hiện hành tại Luật Giao thông đường bộ 2008, độ tuổi tối đa của nữ tăng 5 tuổi và của nam tăng 2 tuổi.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc tăng độ tuổi tối đa đối với người hành nghề lái xe (dành cho xe chở người trên 29 chỗ, không kể chỗ người lái xe, xe giường nằm) là phù hợp bởi so với trước đây, điều kiện sức khỏe của người Việt Nam hiện đã được nâng cao.
Mặt khác, hiện nay, xe ô tô đã áp dụng nhiều công nghệ mới, điều kiện làm việc của người lái xe cũng đỡ nặng nhọc hơn. Thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải đã có nhiều phản ánh về tình trạng người lái xe còn sức khỏe nhưng do hạn chế về độ tuổi của pháp luật nên không được đổi GPLX để lái hạng xe từ 30 chỗ trở lên (kể cả chỗ của người lái xe) nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, đi xin việc khác thì tuổi đã trên 50 – 55 nên rất khó xin việc. Trong khi doanh nghiệp cần lái xe thì tuyển dụng mới cũng rất khó khăn.
Thời gian lái xe không quá 48 giờ một tuần
Tại Điều 64 về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ của Luật TTATGT đường bộ vẫn giữ nguyên quy định thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày; lái xe liên tục không quá 04 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008.
Tuy nhiên, Luật TTATGT đường bộ 2024 bổ sung thêm quy định thời gian làm việc của người lái xe không quá 48 giờ trong một tuần.
Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ phải chịu trách nhiệm thực hiện các quy định trên.
Ngoài ra, Luật cũng quy định: Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có GPLX đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ người lái xe gắn máy theo quy định.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/chinh-thuc-tang-do-tuoi-hanh-nghe-lai-xe-tu-1-1-2025-192240629130945008.htm