Thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, từ ngày 29-2, Hãng Hàng không IrAero Airlines (Nga) sẽ bắt đầu khai thác chặng bay Irkutsk (Nga) – Thạch Gia Trang (Trung Quốc) – Cam Ranh (Việt Nam) với tần suất 1 chuyến/tuần. Trước đó, các hãng hàng không Trung Quốc liên tục mở đường bay đến Khánh Hòa với khoảng 15 chuyến bay/tuần.
Sang Trung Quốc xúc tiến du lịch
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết các đơn vị lữ hành đang phối hợp các hãng bay để tăng tần suất các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến Khánh Hòa. Qua đó, thị trường Trung Quốc thời gian tới sẽ được đẩy mạnh.
Dự kiến trong tháng 3 này, Khánh Hòa sẽ tổ chức đoàn xúc tiến, quảng bá du lịch Nha Trang tại các thành phố ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, chú ý về chất lượng để tăng sức hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú, tăng doanh thu từ khách Trung Quốc.
Tại tỉnh Quảng Ninh, năm 2024, tỉnh này đặt mục tiêu thu hút ít nhất 17 triệu lượt du khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Phát huy lợi thế có cả biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc, tỉnh đã chủ động thúc đẩy hoạt động du lịch và nhận được nhiều tín hiệu khởi sắc.
Điển hình, tàu biển Zhao Shang Yi Dun – tàu biển quốc tế đầu tiên cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đầu xuân Giáp Thìn 2024 – mang theo 600 du khách đến từ Trung Quốc. Trước đó, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón tàu biển du lịch quốc tế Dream Cruise thuộc hãng Chengzhen Cruise Ship cập cảng. Đây là lần đầu tiên tàu này quay trở lại Hạ Long kể từ sau đại dịch, đưa theo 400 du khách quốc tế, chủ yếu là du khách Trung Quốc, theo hải trình Tam Á (Trung Quốc) – Hạ Long. Tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp một số hãng hàng không của Trung Quốc đến làm việc mới đây, ông Cao Tường Huy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – khẳng định tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa các đề xuất liên quan đến mở đường bay từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến thị trường Trung Quốc.
Nhằm thúc đẩy khai thác thị trường khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu, TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc) cũng đã thống nhất cho phép khách du lịch thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, khu vực cầu Bắc Luân II, song song với khu vực cầu Bắc Luân I, qua đó kích cầu du lịch giữa 2 địa phương biên giới.
Đa dạng sản phẩm để khách chi tiêu nhiều hơn
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết dự kiến từ đầu quý II/2024, khách Trung Quốc đến Việt Nam qua đường tàu biển do công ty khai thác sẽ tăng mạnh và triển vọng khả quan trong năm nay.
“Phân khúc khách đến cũng là dòng khách có thu nhập và chi tiêu tốt hơn nên công ty tập trung khai thác sản phẩm gia tăng trải nghiệm. Trước đây, khách đến chủ yếu là mua sắm, thưởng thức ẩm thực…, nay sẽ tăng thêm lộ trình khám phá, tham quan ở các điểm đến tại TP HCM và liên tuyến đi các tỉnh. Một số sản phẩm phục vụ khách Trung Quốc cũng tăng thêm thời gian lưu trú, nghỉ dưỡng tại các khách sạn trong hệ thống của Saigontourist Group ở phân khúc khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo)” – bà Thanh Trà nói.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nhấn mạnh Trung Quốc là một trong những thị trường nguồn khách lớn và quan trọng của thành phố, cùng với các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản… TP HCM đang là thành viên hội đồng của Tổ chức du lịch châu Á Thái Bình Dương (TPO) và thường xuyên sử dụng kênh của hội đồng này để quảng bá mạnh mẽ tới khách Trung Quốc và thị trường Đông Bắc Á khác.
“Tốp các thị trường khách tới TP HCM nhiều nhất năm nay được dự báo vẫn là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Đối với những thị trường này, ngoài quảng bá, xúc tiến thì ngành du lịch tập trung vào công tác phát triển sản phẩm sau giai đoạn khách đã đến và biết tới nhiều như ẩm thực, mua sắm, gia tăng trải nghiệm” – ông Hòa cho hay.
Thị trường khách Trung Quốc phục hồi ấn tượng
Ngày 29-2, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 2-2024 đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 1,3% so với tháng 1-2024, tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Thời điểm này, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 844.000 lượt (chiếm 27,7%), Trung Quốc xếp vị trí thứ 2, đạt 538.000 lượt, Đài Loan (Trung Quốc) ở vị trí thứ 3 (198.000 lượt), tiếp theo là Mỹ (156.000 lượt). Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam, thị trường Trung Quốc có sự phục hồi rất ấn tượng, cao gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, sự sôi động của hoạt động du lịch cùng kết quả đón khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy sự phục hồi rất tích cực của ngành du lịch Việt Nam.
L.Anh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-2