Nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu, trong những năm gần đây, nguồn nước mặt tại các sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có dấu hiệu bị ô nhiễm do chất thải phát sinh trong quá hoạt động tại các chợ tập trung, các khu dân cư, sinh hoạt của người dân do chưa được xử lý hoặc có xử lý nhưng không đảm bảo theo các quy định của pháp luật đã thải trực tiếp ra các sông, kênh rạch.
Qua kết quả quan trắc hàng năm tại 17 điểm sông, kênh chính cho thấy, chất lượng nước mặt ở đô thị hầu như bị ô nhiễm đối với các thông số TSS, BOD5, COD, Amoni, Nitrit, photphas. Đối với nước thải sinh hoạt đô thị, kết quả phân tích của ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu chỉ ra, các chỉ tiêu như: pH, TSS, TDS, BOD5, NH4+, Nitrat, Photphat, Sunfua, Coliform, dầu mỡ động thực vật đều có hàm lượng ô nhiễm cao hơn rất nhiều so với giá trị giới hạn cho phép.
Cùng với đó, quá trình phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản cũng đã phát sinh nhiều nước thải, bùn thải có chứa chất rắn lơ lửng, hợp chất nitơ, photpho và nhiều thành phần hữu cơ dễ phân hủy sinh học tạo nên sự siêu dưỡng, làm nở rộ vi khuẩn và vi trùng gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước. Đồng thời. hoạt động đào đắp ao, kênh rạch để nuôi thủy sản và cấp thoát nước; vệ sinh ao nuôi sau mùa thu hoạch đã làm cho tầng phèn tiềm ẩn bị tác động bởi quá trình ôxy hóa sẽ làm giảm độ pH môi trường nước, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tôm, cá trong nuôi trồng.
Ngoài ra, khối lượng, chất lượng nguồn tài nguyên nước mặt, nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng đã và đang phải chịu nhiều tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn. Vào thời điểm mùa khô hàng năm, nguồn nước mặn theo thủy triều từ biển Đông và biển Tây xâm nhập sâu vào tỉnh Bạc Liêu, gây nhiều khó khăn đối với người dân địa phương trong việc lấy nước phục vụ trồng trọt, sinh hoạt hàng ngày cũng như ảnh hưởng đến các tầng nước dưới đất.
Nhằm đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước; đồng thời, lồng ghép lĩnh vực tài nguyên nước vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Triển khai nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Bình Thuận, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung rà soát, thống kê danh sách các cơ sở hành nghề khoan giếng nước dưới đất, khai thác, sử dụng nước dưới đất; xử lý trám lấp giếng hư hỏng không còn sử dụng để bảo vệ nguồn nước dười đất, xử lý ô nhiễm nguồn nước mặt tại một số sông, kênh rạch.
Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu phê duyệt quy hoạch quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; khoanh định các vùng, khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất; thường xuyên quan trắc nguồn tài nguyên nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ giám sát chặt chẽ các điểm xả thải của đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản; triển khai quy hoạch vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi đồng bộ tại các vùng nuôi tôm tập trung, các vùng nuôi thủy trồng thủy sản trọng điểm đảm bảo cấp, thoát nước riêng biệt; góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường nước.
Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu sẽ siết chặt quy trình thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là với loại hình nuôi trồng và chế biến thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải phát sinh trong chăn nuôi, chế biến thủy sản; góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đến các cơ sở, doanh nghiệp và người dân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước; khuyến khích người dân áp dụng các mô hình sản xuất thuận thiên để tiết kiệm nước; tích cực trữ nước mưa trong các ao, hồ, bể chứa để sử dụng cho sản xuất, sinh hoạt.