Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều địa phương của tỉnh bị lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ. Trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Hơn nữa, mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người.
Nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người dân để khắc phục các hậu quả do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức thực hiện trực 24/24 giờ, không để gián đoạn trong cộng tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong trường hợp có đông người bệnh đến đồng thời. Bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu và điều trị người bệnh mắc các dịch bệnh trong và sau mưa lũ.
Quán triệt nhân viên y tế thực hiện tốt nội quy, quy định của bệnh viện, nâng cao ý thức phục vụ, văn hóa ứng xử với người bệnh và người nhà người bệnh khi đến khám, điều trị. Thăm hỏi, động viên người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách.
Về công tác giám sát và đáp ứng dịch bệnh, chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, nhất là vùng có mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra. Củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau cơn bão số 3, vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn…
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường.
Bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc “ăn chín, uống chín”, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành có liên quan, các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, lơ là, thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và phòng ban chuyên môn của huyện tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, xử lí kịp thời các ổ dịch, không để ổ dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Chủ động phối hợp với các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác giám sát bệnh gia cầm, lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng nghi ngờ (bao gồm động vật, con người), báo cáo kịp thời để có các biện pháp sớm hiệu quả.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/lao-cai-tang-cuong-dam-bao-cong-tac-y-te-ung-pho-mua-lu.html