Theo công văn số 472/UBTVQH15-PL của UBTVQH, thời gian qua, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan của Quốc hội quan tâm triển khai đồng bộ và đạt kết quả bước đầu tích cực, kịp thời phát hiện, kiến nghị bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát văn bản trong một số lĩnh vực chưa được thực hiện thường xuyên, còn dàn trải, chưa bám sát thực tiễn và các yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị các giải pháp khắc phục các vấn đề tồn tại, hạn chế trong thi hành pháp luật.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, đồng hành cùng Chính phủ và hệ thống chính trị vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và 5 năm (2021 – 2025) ở mức cao nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tập trung đẩy mạnh công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách, trong đó cần chú trọng các vấn đề:
Bảo đảm hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, chủ động, kịp thời theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập trung giám sát thực chất về nội dung, tránh hình thức, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng quý, từng năm.
Trong đó, năm 2023 cần tập trung giám sát các nội dung: Các văn bản dưới luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; đấu thầu, cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế; xử lý các vướng mắc trong các quy định phòng cháy, chữa cháy, công tác đăng kiểm phương tiện giao thông, công tác quy hoạch…
Các văn bản trong các lĩnh vực qua theo dõi có nhiều kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật liên quan các vấn đề về phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, đầu tư, sử dụng các nguồn vốn,… cần giải quyết, tháo gỡ.
Các văn bản quy định về thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện đầu tư kinh doanh có nội dung bất hợp lý, gây khó khăn, phiền hà, cản trở hoạt động của doanh nghiệp; các văn bản có nội dung phân cấp, ủy quyền nhưng thiếu rành mạch và điều kiện bảo đảm thực hiện, không rõ trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát.
Rà soát, giám sát các văn bản, quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm thực thi công vụ, cấp phép, quyết định đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp; tiếp tục rà soát các văn bản phát hiện những nội dung còn sơ hở, chưa chặt chẽ, bất cập, có thể làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Công văn của UBTVQH cũng đề nghị chú trọng về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật phải làm rõ các nội dung có hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong văn bản, việc thực hiện văn bản, trong đó cần phân tích, chỉ rõ nguyên nhân do quy định của luật hay văn bản dưới luật có sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính khả thi hay do công tác tổ chức thi hành pháp luật. Trên cơ sở đó, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra hạn chế, vướng mắc; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản để khắc phục tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Đối với những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế – xã hội liên quan đến việc áp dụng, thực thi pháp luật, cần kịp thời tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội để có biện pháp chấn chỉnh, tháo gỡ vướng mắc, tạo chuyển biến ngay trong thực tiễn quản lý nhà nước.
UBTVQH cũng đề nghị, trong quá trình giám sát văn bản quy phạm pháp luật cần kết hợp giữa báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất. Khi phát hiện văn bản ban hành chậm, có dấu hiệu trái pháp luật, nội dung bất cập, không còn phù hợp, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội cần khẩn trương gửi văn bản đến cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản đề nghị báo cáo, cung cấp thông tin, giải trình hoặc mời cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản đến làm việc, cung cấp thông tin, giải trình, đề xuất giải pháp khắc phục. Trên cơ sở đó, kịp thời báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý cụ thể ngay với Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách để báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội xem xét, quyết định việc xử lý theo quy định, không chờ đến cuối kỳ giám sát.
Đồng thời, chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội cần tăng cường làm việc với các Bộ, ngành trung ương để đánh giá việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, đôn đốc việc thực hiện, tổ chức giám sát lại trong trường hợp cần thiết. Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và đề xuất giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.