Kế hoạch này nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, loại bỏ các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng; tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc TAND tối cao, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo kế hoạch, thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND tối cao phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật các vụ việc có liên quan đến tham nhũng; phải thực sự coi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
“Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo quy định của pháp luật”, kế hoạch nêu rõ.
TAND tối cao cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; thực hiện rà soát, sửa đổi, loại bỏ các nội dung quy định không phù hợp với yêu cầu, các quy định thiếu chặt chẽ, dễ gây sơ hở để lợi dụng, tham nhũng, lãng phí tiền, tài sản, thời gian lao động.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính tư pháp; tiếp tục vận hành hiệu quả hệ thống quản lý tòa án, trợ lý ảo, hệ thống giám sát và điều hành TAND phục vụ các hoạt động của tòa án.
TAND tối cao lưu ý việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị; ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng tham nhũng vặt; thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng.
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, giám sát trong cơ quan, đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh có dấu hiệu tham nhũng; công bố, công khai kết luận kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…
Cũng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, TAND tối cao còn ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2024. Theo kế hoạch này, TAND tối cao sẽ xác minh tài sản, thu nhập đối với 60 cá nhân.
Những người nằm trong danh sách xác minh thuộc các đơn vị sau: TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND 2 cấp TP.Hải Phòng, TAND 2 cấp tỉnh Thừa Thiên – Huế, TAND 2 cấp tỉnh Tiền Giang, TAND 2 cấp tỉnh Long An.
Tại mỗi cơ quan nêu trên, cơ quan chức năng sẽ lựa chọn tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm để xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện dưới hình thức bốc thăm ngẫu nhiên.
TAND tối cao cho hay, việc xác minh tài sản, thu nhập sẽ giúp xem xét, đánh giá tính chính xác, kết luận về tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập; đồng thời kiểm soát sự biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.
Kết quả xác minh còn góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng (nếu có) và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, liêm chính, vững mạnh.