Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, cho biết trong không gian đô thị, bên cạnh ánh sáng điện thì ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử đang bao phủ chúng ta.
>>> Sức khỏe thời 4.0: Ăn – ngủ – đi vệ sinh cũng ‘ôm’ điện thoại
Vấn đề đáng báo động
Ánh sáng xanh (High Energy Visible – HEV) là loại ánh sáng bước sóng ngắn, năng lượng cao, phát ra từ các thiết bị như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính,… Theo nghiên cứu công bố năm 2020 từ GlobalWebIndex, mỗi người gắn trung bình 6 tiếng 54 phút trong mỗi ngày của mình với thiết bị điện tử, con số này đang tăng dần, thậm chí, việc sử dụng điện thoại liên tục kể cả khi ăn, đi vệ sinh, di chuyển, thức xuyên đêm lướt mạng xã hội đang là vấn đề đáng báo động hiện nay.
“Tiếp xúc với ánh sáng xanh liên tục, đặc biệt vào buổi tối và trước khi đi ngủ, gây ức chế tiết melatonin, một hormone cần thiết cho giấc ngủ. Những rối loạn bao gồm: Khó vào giấc, khó duy trì giấc ngủ, hay bị thức giấc giữa đêm,… Ngoài ra, lượng ánh sáng xanh phát ra ở một khoảng cách gần qua thiết bị điện tử phân tán dễ dàng trong mắt, làm giảm độ tương phản hình ảnh và gây cảm giác khó chịu về thị giác”, bác sĩ Ngân chia sẻ.
Nhiều tác hại không ngờ
Cùng quan điểm, bác sĩ Võ Thị Ngọc Thu – khoa Nội thần kinh – Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết hầu hết mọi người kiểm tra điện thoại của họ vào giây cuối cùng trước khi đi ngủ và đặt điện thoại gần giường. Đây là một vấn đề nghiêm trọng có thể gây mất ngủ và nhiều tác hại cho sức khỏe.
Tiếp xúc với ánh sáng xanh liên tục, đặc biệt vào buổi tối và trước khi đi ngủ, có thể ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Theo bác sĩ Ngọc Thu, một nghiên cứu phân tích tổng hợp đăng trên tạp chí BMC Psychology vào tháng 4 năm 2023 cho thấy mối liên quan giữa việc tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử quá nhiều và các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở người lớn.
Đặc biệt, sử dụng các thiết bị công nghệ thâu đêm có thể làm giảm hiệu suất trong việc học tập và làm việc vào ngày hôm sau. Sự mệt mỏi do việc thức khuya có thể làm giảm khả năng ghi nhớ và tập trung.
Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại vào ban đêm cũng có thể liên quan đến việc ngồi lâu, ít vận động và thói quen không lành mạnh khác như ăn uống không đều đặn, dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài như béo phì và bệnh tim mạch.
Không nên sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thuận, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, nhà vệ sinh là nơi ẩm ướt và mầm bệnh cũng từ đây mà xuất hiện. Việc sử dụng điện thoại trong thời gian đi vệ sinh là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, thói quen này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, trĩ, bệnh lý trực tràng, tăng nguy cơ thiếu máu não, tác động xấu đến khớp và chi dưới.
“Việc cầm điện thoại ngồi lâu trong nhà vệ sinh làm trọng lượng của cơ thể tác động lên hậu môn làm cho sự lưu thông máu ở các tĩnh mạch trĩ bị ảnh hưởng. Lúc này máu không lưu thông được, tích tụ lại và làm cho các tĩnh mạch trĩ căng phồng lên”, bác sĩ Thuận phân tích. (Còn tiếp).
49% người sử dụng điện thoại trên 4 giờ mỗi ngày
Theo khảo sát nhanh của Thanh Niên trong ngày 31.7 từ bài viết Sức khỏe thời 4.0: Ăn – ngủ – đi vệ sinh cũng ‘ôm’ điện thoại, có 49% người sử dụng điện thoại trên 4 giờ mỗi ngày; 23% sử dụng từ 2-4 giờ; 19% sử dụng từ 1-2 giờ; 9% sử dụng điện thoại dưới 1 giờ. Khảo sát nhanh có tổng số 147 bình chọn.