(CLO) Không đồng tình với kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho người Palestine ở Gaza nhưng các nhà lãnh đạo Ả Rập cũng đang vất vả tìm tiếng nói chung cho một giải pháp phản biện.
Chung tay tìm giải pháp cho Gaza
Các nhà lãnh đạo Ả Rập đang nhóm họp tại thủ đô Riyadh (Ả Rập Xê Út) để đưa ra phản ứng trước kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc trục xuất người dân Palestine khỏi Gaza và biến nơi này thành một “Riviera” ở Trung Đông.
Ả Rập Xê Út sẽ là chủ nhà của hội nghị các nước Ả Rập chủ chốt về tái thiết Gaza. Ảnh: SUSTG
Cuộc họp - bao gồm Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út, Qatar và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh khác - sẽ diễn ra trước Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập vào ngày 4 tháng 3. Theo Bộ Ngoại giao Ai Cập, một cuộc họp của các quốc gia Hồi giáo dự kiến cũng sẽ diễn ra sau đó không lâu.
Đề xuất của Tổng thống Donald Trump vào tháng trước rằng Mỹ có thể kiểm soát Gaza, phát triển nó thành một phiên bản "Riviera của Trung Đông" và di dời cư dân Palestine đến các nước láng giềng như Ai Cập và Jordan đã hứng chịu sự phản đối trên khắp thế giới Ả Rập.
Nhiều người trong thế giới Ả Rập coi bất kỳ hành động cưỡng bức di dời người Palestine nào khỏi Gaza là hồi chuông báo tử cho bất kỳ khả năng xây dựng nhà nước Palestine nào trong tương lai. Một số quốc gia, như Jordan và Ai Cập, thì lo ngại việc phải tiếp nhận một lượng lớn người Palestine có thể gây ra sự gián đoạn về kinh tế và chính trị tại đất nước mình.
Vì thế, các trợ lý của ông Trump sau đó đã định hình lại đề xuất này như một thách thức đối với các nhà lãnh đạo Trung Đông, để thúc đẩy họ đưa ra một giải pháp thay thế tốt hơn.
Phát biểu tại một diễn đàn đầu tư do Ả Rập Xê Út tổ chức tại Miami (Mỹ) hôm 21 tháng 2, Đặc phái viên của ông Trump tại Trung Đông, Steve Witkoff, cho biết kế hoạch của tổng thống đối với Gaza không phải là trục xuất người Palestine, mà là thay đổi tư duy hiện tại và cải thiện triển vọng cho người dân Palestine.
"Ông ấy (Tổng thống Trump) đã tạo ra cuộc thảo luận này trên toàn thế giới Ả Rập", tờ New York Times dẫn lời phát biểu của ông Witkoff. "Bạn có nhiều loại giải pháp khác nhau hơn trước khi ông ấy nói về điều này".
Với những diễn biến như vậy, có thể xem cuộc họp tại Riyadh chính là một bước đi cần thiết của các quốc gia Ả Rập chủ chốt nhằm tháo gỡ nút thắt liên quan đến tương lai của Gaza. Và phía Mỹ cũng hoan nghênh động thái của các nước Ả Rập.
“Tất cả những quốc gia này đều nói rằng họ quan tâm đến người Palestine như thế nào”, Ngoại trưởng Mỹ, ông Marco Rubio phát biểu tuần trước. “Nếu các quốc gia Ả Rập có một kế hoạch tốt hơn (cho Gaza), thì điều đó thật tuyệt”.
Đồng thuận vẫn là điều xa xỉ
Theo tờ New York Times, ý tưởng chủ đạo của cuộc họp là bàn về một giải pháp trong đó các nước Ả Rập sẽ giúp tài trợ và giám sát công cuộc tái thiết Gaza, đồng thời giữ nguyên hai triệu cư dân Palestine và bảo vệ khả năng thành lập một nhà nước Palestine. Nhưng từ ý tưởng đến sự đồng thuận vẫn là một hành trình dài và chưa thấy lối thoát.
Kế hoạch di dời người Palestine khỏi Gaza của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận được sự phản đối của thế giới Ả Rập. Ảnh: Pedestrian
Đã có một số kế hoạch táo bạo được đưa ra, nhưng không có kế hoạch nào thực sự thu hút được sự ủng hộ đủ lớn. Kế hoạch mới nhất đến từ ông trùm bất động sản người UAE, Khalaf al-Habtoor, người đã đưa ra một bản thiết kế đầy tham vọng nhằm mục đích xây dựng lại Gaza trong "vài năm, chứ không phải vài thập kỷ".
Nhưng vấn đề then chốt vẫn là vấn đề quản lý Gaza sau chiến tranh.
Một bài viết trên tờ Al Ahram Weekly của Ai Cập cho biết Cairo đang đề xuất một kế hoạch kéo dài 10 đến 20 năm để tái thiết Gaza bằng nguồn tài trợ của các nước Ả Rập vùng Vịnh, đồng thời loại Hamas khỏi quyền quản lý dải đất này và cho phép 2,1 triệu cư dân Palestine tại Gaza tiếp tục ở lại.
Nhưng các nhà lãnh đạo Israel đã nhiều lần nói rằng họ sẽ phản đối bất kỳ kế hoạch hậu chiến nào mở đường cho chủ quyền của Palestine. Đến lượt mình, quan điểm này đụng độ với việc các nhà lãnh đạo Ả Rập khẳng định họ sẽ chỉ ủng hộ một đề xuất ít nhất là trên danh nghĩa mở đường cho một nhà nước Palestine.
Đối với bất kỳ kế hoạch nào về quản lý Gaza, các nhà lãnh đạo Ả Rập đều muốn có sự chấp thuận của Chính quyền Palestine (PA), cơ quan được quốc tế công nhận đã quản lý Gaza cho đến khi Hamas giành quyền kiểm soát lãnh thổ này gần hai thập kỷ trước.
Nhưng người đứng đầu Chính quyền Palestine, Tổng thống Mahmoud Abbas, tỏ ra cảnh giác với bất kỳ kế hoạch nào không trao cho ông quyền kiểm soát hoàn toàn Gaza. Còn Hamas cho biết họ sẵn sàng nhượng quyền kiểm soát các vấn đề dân sự cho một thế lực khác nhưng vẫn từ chối giải tán lực lượng quân sự của mình, một lập trường không thể chấp nhận được đối với cả Israel và ông Trump.
Cả núi thách thức ở phía trước
Ngân hàng Thế giới (World Bank), Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp quốc cho biết, bất chấp sự cấp bách từ các nước Ả Rập trong việc đưa ra một đề xuất phản biện thuyết phục đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc tái thiết Gaza vẫn là một hành trình "dài và phức tạp". Có thể cần phải giải quyết vấn đề quản trị và tài chính với sự hỗ trợ của quốc tế - những vấn đề cũng dễ gây tranh cãi và khó giải quyết.
Ba tổ chức quốc tế này ước tính trong một tuyên bố chung hôm thứ Ba rằng, chỉ riêng việc khôi phục các dịch vụ thiết yếu, bao gồm y tế, giáo dục, cũng như dọn dẹp đống đổ nát ở Gaza, sẽ mất ba năm. Việc xây dựng lại toàn bộ khu vực bị tàn phá sẽ cần 10 năm và tốn hơn 50 tỷ USD.
Một nguồn tin của CNN cho biết nguồn tài trợ cho kế hoạch tái thiết Gaza có thể bao gồm các khoản đóng góp công và tư, có thể là từ EU và các nước Ả Rập vùng Vịnh, và có thể sẽ có một hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Gaza vào tháng 4. Nhưng kế hoạch này cũng có thể thất bại nếu Israel, nước kiểm soát biên giới Gaza từ lâu trước cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10 năm 2023, từ chối hợp tác.
Cho đến nay, Israel vẫn ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm giảm dân số ở Gaza, và Bộ quốc phòng Israel mới công bố kế hoạch thành lập "Ban quản lý di cư tự nguyện của cư dân Gaza" để tạo điều kiện thuận lợi cho những người dân Gaza muốn di cư.
World Bank, EU và Liên Hợp quốc ước tính cần 50 tỷ USD để tái thiết Gaza sau khi dải đất này bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: UNRWA
Vai trò của Israel đối với kế hoạch mà các nước Ả Rập đang ấp ủ là rất quan trọng. Bởi mọi nỗ lực tái thiết đều sẽ vô ích nếu lệnh ngừng bắn mong manh ở Gaza thất bại, đẩy vùng lãnh thổ này trở lại chiến tranh. Mà viễn cảnh Gaza im tiếng súng, đến nay cũng chưa có gì đảm bảo vững chắc.
Tương lai của Gaza cũng như hơn 2 triệu người Palestine trên dải đất hẹp này, vì thế vẫn còn rất mông lung. Các nhà phân tích đều cho rằng, rất khó có giải pháp nào được thông qua tại hội nghị của các nước Ả Rập chủ chốt ở Riyadh, và càng khó khăn hơn để giải pháp (nếu có) được thực thi nhanh chóng, hiệu quả.
Nguyễn Khánh
Nguồn: https://www.congluan.vn/tai-thiet-gaza-van-la-cau-do-voi-cac-nha-lanh-dao-a-rap-post335520.html
Bình luận (0)