Bạn ngủ đủ giấc nhưng lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi. Chuyện gì đang xảy ra?
Theo The New York Times, tình trạng mệt mỏi và buồn ngủ do kiệt sức mãn tính rất phổ biến, nhưng hoàn toàn có thể điều trị được.
Bạn có thực sự ngủ đủ giấc không?
Tiến sĩ Shannon Sullivan, chuyên gia y học giấc ngủ tại Đại học Stanford (Mỹ), nói rằng cần xác định nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi. Có thể thói quen ngủ của bạn cần được điều chỉnh đôi chút. Nhưng nguyên nhân cũng có khả năng là một số vấn đề sức khỏe hoặc thuốc men.
Tin tốt là, có nhiều cách để xác định và điều trị nguồn gốc của sự mệt mỏi, và điều này thường giúp bạn cảm thấy khỏe hơn.
Điều đầu tiên bạn nên làm là xem xét lại thói quen ngủ của mình, tiến sĩ Sullivan gợi ý. Gần đây bạn có thay đổi lịch trình ngủ thường ngày không? Bạn có đang bị căng thẳng không? Nếu không, có lẽ bạn cần cải thiện thói quen ngủ.
Hãy đảm bảo ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm (một số người cần ngủ nhiều hơn), cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Giống như giấc ngủ trưa của trẻ nhỏ, giấc ngủ của bạn sẽ tốt hơn khi có sự nhất quán, tiến sĩ Sullivan nói.
Nếu bạn thường uống cà phê vào buổi chiều hoặc rượu vang vào buổi tối, hãy thử bỏ qua chúng. Tránh sử dụng điện thoại hoặc ăn vặt ngay trước giờ đi ngủ. Tất cả những thói quen này đều có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn. Thời gian ăn uống cũng rất quan trọng. Cố gắng ăn tối ít nhất 2-3 giờ trước khi đi ngủ.
Trong mọi trường hợp, nếu bạn gặp khó khăn với giấc ngủ, hãy đến gặp bác sĩ, tiến sĩ Kara Dupuy-McCauley, chuyên gia y học giấc ngủ tại Mayo Clinic, khuyến nghị.
Một chuyên gia giấc ngủ có thể giúp cải thiện thói quen ngủ của bạn. Họ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng, hồ sơ y tế và tiền sử gia đình để xác định xem có yếu tố nào khác đang gây ra sự mệt mỏi hay không.
Bạn có thể đang mắc rối loạn giấc ngủ không?
Rối loạn giấc ngủ rất phổ biến, tiến sĩ Dupuy-McCauley cho biết, và có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày. Nếu bạn gặp tình trạng này, bác sĩ có thể xem xét một số khả năng dưới đây.
Đầu tiên là mất ngủ. Khoảng 30% người trưởng thành trên thế giới gặp khó khăn trong việc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ, khiến họ cảm thấy không được nghỉ ngơi và khó tập trung.
Mất ngủ có thể là vấn đề ngắn hạn do căng thẳng hoặc lệch múi giờ, nhưng nếu xảy ra ít nhất 3 lần/tuần trong 3 tháng hoặc lâu hơn, bạn có thể bị mất ngủ mãn tính. Điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng liệu pháp nhận thức hành vi thường hiệu quả hơn thuốc.
Một rối loạn phổ biến khác là ngưng thở khi ngủ. Một số người không có triệu chứng rõ ràng, trong khi số khác có thể ngáy, tỉnh dậy vì khó thở hoặc cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày. Nếu không điều trị, các trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường.
Cuối cùng là hội chứng chân không yên, đặc trưng bởi cảm giác khó chịu ở chân và nhu cầu di chuyển. Các triệu chứng thường tồi tệ hơn vào buổi tối và xuất hiện khi bạn đang nghỉ ngơi, khiến khó đi vào giấc ngủ.
Massage chân, giảm hoặc tránh uống rượu và caffeine có thể giúp cải thiện triệu chứng.
Nguyên nhân khác gây mệt mỏi
Tình trạng mệt mỏi, uể oải hoặc thiếu năng lượng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, tiến sĩ Sullivan nói. Một số yếu tố mà bác sĩ có thể xem xét bao gồm rối loạn nội tiết tố, thiếu vitamin hoặc khoáng chất – thiếu sắt, vitamin D hoặc B12 có thể gây ra mệt mỏi, đặc biệt nếu bạn ăn chay hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, trầm cảm, các vấn đề tiêu hóa hoặc hậu COVID-19 đều có thể khiến bạn mệt mỏi. Cuối cùng, một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine có tác dụng phụ làm bạn cảm thấy buồn ngủ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tai-sao-luc-nao-ban-cung-cam-thay-met-moi-du-ngu-du-20241205104847139.htm