Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng thuốc lá điếu thông thường hay thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe, là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Lực lượng công an và quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Trần Danh |
* Bảo vệ người chưa đủ 18 tuổi trước thuốc lá
Để bảo vệ người chưa đủ 18 tuổi trước tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 nghiêm cấm các hành vi: Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá…
Chính vì vậy, tại Điều 31, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 có quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định, hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (Điều 26); sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng (Điều 29). Còn tại Điều 23, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá bị phạt từ 1-2 triệu đồng.
* Thuốc lá nào bị cấm
Theo Khoản 1, Điều 2, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Ngoài các loại thuốc lá được sản xuất trong nước theo đúng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, giấy phép, điều kiện sản xuất, lưu hành…, thì còn có thuốc lá nhập ngoại.
Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Thanh Sơn cho biết, theo Thông tư 37/2013/TT-BTC ngày
30-12-2013 của Bộ Tài chính quy định nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà, thì thuốc lá điếu, xì gà sau thuộc danh mục nhập khẩu gồm: xì gà, xì gà xén hai đầu, xì gà nhỏ và thuốc lá điếu, từ lá thuốc lá hoặc từ các chất thay thế lá thuốc lá. Xì gà, xì gà xén hai đầu và xì gà nhỏ, làm từ lá thuốc lá. Thuốc lá điếu làm từ lá thuốc lá. Thuốc lá Bi-đi (Beedies). Thuốc lá điếu, có chứa thành phần từ đinh hương. Thuốc lá điếu làm từ chất thay thế lá thuốc lá…
“Những loại thuốc lá điều, xì gà ngoài danh mục thông tư cho phép nhập khẩu thì không được nhập và nếu có mặt trên thị trường thì được xem là hàng cấm lưu thông, sử dụng” – luật gia Nguyễn Thanh Sơn lưu ý.
Ngoài ra, hiện nay, việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong đối tượng học sinh. Nhiều trường hợp học sinh, sinh viên phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các chất có trong dung dịch của sản phẩm này. Các sản thuốc lá điện tử hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Do đó, ngày 18-5, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 4850/UBND-KGVX về tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá; kiểm tra, xử lý việc mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới và tổ chức hưởng ứng Ngày thế giới Không thuốc lá 31-5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 23 đến 31-5-2023 và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012.
Theo UBND tỉnh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh – thiếu niên, đồng thời gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào ngày 23-5, các đại biểu đã đề nghị Quốc hội nghiên cứu đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 để kiểm soát và hạn chế việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới. Bởi lẽ, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 đã có quy định nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; nghiêm cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; nghiêm cấm việc người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại không thể xử lý hành vi này đối với thuốc lá điện tử vì khái niệm “thuốc lá” trong luật chưa đề cập.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào ngày 23-5, các đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Quốc hội nghiên cứu và có hình thức phù hợp để sớm bổ sung thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012. |
Đoàn Phú
.