Đi dọc khắp các con đường ở H.Thủy Nguyên, nơi đâu cũng chào mời món Sủi Dìn. Bạn người Hải Phòng đi bên cạnh nhỏ nhẹ: “Chưa ăn Sủi Dìn là chưa đến Thủy Nguyên, chưa biết Hải Phòng”.
Chén chè Sủi Dìn nóng thơm dịu vị gừng bày ra trước mặt tôi. Nhìn qua thì Sủi Dìn trông giống như món chè trôi nước phương Nam, nhưng khi nhẩn nha thưởng thức, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận ngay có gì đó khang khác chứ đây không phải là “tên gọi mới” của chè trôi nước.
Viên chè Sủi Dìn nho nhỏ, được làm từ bột nếp trộn với gạo tẻ. Nhân của viên chè Sủi Dìn là bí quyết tạo nên sự khác biệt của các quán. Có quán làm nhân Sủi Dìn bằng đậu xanh, hạt sen, xoài, mứt, dâu tây… Nước chè được chế biến từ mật mía nấu cùng gừng giã nhuyễn cho thêm quế, nên chè Sủi Dìn không chỉ là món ăn ưa miệng mà còn mát lành, bổ dưỡng.
Món chè Sủi Dìn thành phẩm được nhấn nhá thêm mè đen, dừa xắt khúc, đậu phộng rang. Theo lời cô chủ quán, cái tên Sủi Dìn có nguồn gốc từ lịch sử xa xưa khi người Việt giao thương cùng người phương Bắc, họ đem theo món Sủi Dìn. Sủi có nghĩa là nước, Dìn là viên. Thời thế dần trôi, người Việt đã biến tấu món chè Sủi Dìn theo công thức của riêng mình, chỉ còn mỗi cái tên “Sủi Dìn” là giữ lại.
Trong tiết trời lạnh giá những ngày đầu đông ở Thủy Nguyên, nhẩn nha từng thìa chè Sủi Dìn trong háo hức, lạ lẫm, vị ngọt của mật mía, vị cay cay của gừng, thơm dịu mùi quế và cảm giác dẻo ngậy của viên chè gạo nếp, quả thật khiến du khách phương xa như tôi cảm thấy thật ngọt ngào và ấm áp.