Hà Nội có kho tàng các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian phong phú, từ rối nước, rối cạn, cho tới chèo tàu, hát trống quân, múa trống bồng, múa hát Ải Lao… Đã từng có thời gian, nhiều loại hình diễn xướng dân gian đứng trước nguy cơ mai một. Song, hiện nay, với sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp chính quyền và ngành văn hoá, các loại hình nghệ thuật dân gian tìm được sức sống mới. Trong đó, không ít địa phương đã khai thác các loại hình nghệ thuật dân gian để phát triển công nghiệp văn hoá.
Sân khấu rối nước Đào Thục luôn thu hút đông đảo khách du lịch. (Ảnh: Thế Nghị)
Những đoàn khách đầu tiên đã về trong sự bỡ ngỡ của chính dân làng và nghệ nhân phường rối. Nhưng rồi, họ quen dần với việc đón khách. Việc “làm tour” dần dần bài bản lên, chuyên nghiệp hơn. Thay vì chỉ dẫn chương trình bằng tiếng Việt, làng rối còn thu âm tiếng Anh để khách quốc tế có thể cảm nhận rõ nét hơn nghệ thuật của làng quê Việt.
“Lớp trẻ” ngày ấy bây giờ đều đã ở tuổi 40, 50. Anh Nguyễn Thế Nghị chính là một trong số đó. Từng có thời gian được tín nhiệm làm Trưởng phường, nay anh trở về với công việc quen thuộc là phụ trách kinh doanh.
Anh chia sẻ: “Đổi mới cách nghĩ, cách làm là cả một quá trình dài. Khi thấy phường rối làm tốt, các cấp, các ngành đều tăng cường quan tâm. Rối nước Đào Thục trở thành “mô hình điểm” của huyện Đông Anh, nhờ đó, chúng tôi được đầu tư hạ tầng, tu bổ di tích để bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống tốt hơn. Từ khi Hà Nội có Nghị quyết về Phát triển Công nghiệp văn hoá, chúng tôi càng được tạo điều kiện hơn nữa để “thể hiện” mình. Hiện giờ, trong làng, lớp trẻ theo học biểu diễn cũng rất đông”.
Tuy nhiên, cũng như phần lớn di sản văn hoá khác, các loại hình diễn xướng dân gian đều có “mẫu số chung”: Khó khăn, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chiến tranh; khi đất nước hoà bình, thống nhất thì lại vẫn đứng trước nguy cơ mai một do đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế. Phải đến khi đất nước mở cửa, kinh tế phát triển, các loại hình diễn xướng dân gian mới từng bước hồi sinh.
Các nghệ nhân trẻ của Giáo phường Ca trù Thượng Mỗ trình diễn trên sân khấu. (Ảnh: Giang Nam)
Quá trình hồi sinh này gắn liền với những chủ trương, chính sách của thành phố. Trong đó, quan trọng nhất là Chương trình 06 của Thành uỷ về Phát triển văn hoá – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh (trước đây là Chương trình 04) được thực hiện qua nhiều nhiệm kỳ. Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá là nội dung quan trọng hàng đầu của Chương trình 06. Thành phố giao trách nhiệm cho ngành văn hoá và các địa phương xây dựng Chương trình, Kế hoạch cụ thể để thực hiện. Đây là cơ sở để nhiều loại hình diễn xướng dân gian hồi sinh và phát triển.
Múa con đĩ đánh bồng ở Triều Khúc. (Ảnh: Giang Nam)
Hát trống quân cũng từng suýt bị lãng quên, nhưng giờ hồi sinh mạnh mẽ ở các huyện Phúc Thọ, Thường Tín. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) Lê Văn Ba, kiêm Chủ nhiệm CLB hát trống quân xã Khánh Hà chia sẻ, nhờ sự vào cuộc sớm và quan tâm của các cấp ngành thành phố, hát trống quân xã Khánh Hà đã “hồi sinh” với trên 300 lời hát cổ với các làn điệu khác nhau được gìn giữ, lưu truyền và số lượng người thực hành hát trống quân ngày càng nhiều. Xã Khánh Hà đã có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Thành phố cũng tổ chức nhiều chương trình văn hoá – nghệ thuật, lễ hội lớn để các loại hình diễn xướng dân gian được giới thiệu đến công chúng. Điển hình như Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Lễ hội Du lịch Hà Nội, Festival thu Hà Nội…
Vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ tái hiện và tôn vinh vẻ đẹp cuộc sống làng quê. (Ảnh: Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội)
Điều này báo hiệu sự phát triển trở lại của nghệ thuật trình diễn dân gian Hà Nội và hiệu quả bước đầu trong triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thành uỷ Hà Nội.
Chương trình Chuyện nhạc phố cổ quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống. (Ảnh: Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội)
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/suc-song-moi-cua-cac-loai-hinh-nghe-thuat-trinh-dien-dan-gian/index.html